Lãnh đạo các nước chụp ảnh tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác Lancang – Mekong (Lan Thương-Mekong, LMC) lần thứ nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Ecns.cn

LMC là cơ chế hợp tác tiểu vùng đầu tiên được thành lập vào năm 2015, gồm các thành viên: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar - những quốc gia ven sông Mekong.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau tham gia triển khai thực thi kế hoạch LMC 5 năm (2018 – 2022). Kế hoạch này nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, đưa ra kết quả cụ thể trong 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước và giảm nghèo, cùng lúc mở rộng đến các lĩnh vực hợp tác tiếp theo trên khuôn khổ “3 + 5 + X”, với X là yếu tố đại diện cho các ý kiến hỗ trợ giảm bất bình đẳng trong khu vực, giải quyết vấn đề di cư, tăng cường bình đẳng giới.... Đây là bước tiếp theo nhằm thực hiện hóa bản dự thảo đã được thông qua tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ ba, diễn ra hồi ngày 14 - 16/12/2017.

Ngoài ra, các vấn đề khác bao gồm tuyên bố Phnom Pênh cũng được đưa ra thảo luận với mục tiêu chính nhằm tập trung nhấn mạnh ý chí, quan điểm chính trị các nước về hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Với mục tiêu tăng cường kết nối giữa các nước thành viên, lãnh đạo các cấp cũng cần bàn luận để mở rộng đến vấn đề an ninh. Kết nối an ninh có thể bao gồm các phương pháp khác nhau nhưng cùng hướng đến kết quả chung là giải quyết khúc mắc một cách toàn diện.

Cuối hội nghị, Campuchia sẽ bàn giao chức vụ chủ tịch cho Lào. Điều này có nghĩa Lào và Trung Quốc sẽ là đồng chủ tịch LMC giai đoạn 2018 – 2020.

Được biết, hội nghị LMC được thực hiện lần đầu tiên dưới sự chủ trì của Trung Quốc tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam vào ngày 23/3/2016. Sau hội nghị lần thứ nhất, các nước thành viên đã xác định được ba trụ cột hợp tác chính giữa các nước bao gồm: chính trị và an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa - xã hội và giao lưu giữa người với người.

Nhìn chung, sứ mệnh chia sẻ vận mệnh chung giữa 6 quốc gia là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh cơ chế LMC chuyển từ giai đoạn nuôi dưỡng sang giai đoạn tăng trưởng. Do đó, các nước thành viên cần nỗ lực hơn nữa, gắn kết hơn nữa trong công tác triển khai mọi kế hoạch chung, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển và chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh.

“LMC bổ sung tốt cho sự phát triển của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách giúp các thành viên kém phát triển nhất bắt kịp đà tăng trưởng. Đồng thời, LMC là một bước đệm tốt hỗ trợ các nước thành viên ASEAN nhận ra khả năng kết nối khu vực và năng lực sản xuất của mình”, Chheang Vannarith, phó chủ tịch viện nghiên cứu chiến lược Campuchia cho hay.

Hạnh Nhi

 (Lược dịch từ Vientianetimes, ANN & XinhuaNet)