Điểm sạt lở sâu trên tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ
Nguy cơ vỡ
Các bậc cao niên ở gần đê NLNL không ai nhớ rõ tuyến đê có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng từ khi sinh ra và lớn lên đã có tuyến đê này. Tuy nhiên, do đắp bằng bùn đất nên tuyến đê không an toàn, thường bị hư hỏng, sạt lở trong các trận lũ lụt, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Cách đây hơn 10 năm, đê NLNL được tỉnh đầu tư kinh phí nâng cấp, mặt đê được đổ bê tông nhằm kết hợp đường giao thông phục vụ đi lại và sản xuất.
Ông Trần Văn Lâu ở thôn Nam Phù chia sẻ: “Nếu không có tuyến đê NLNL thì nước lũ sông Bồ đổ về làm ngập sâu nhà dân, đồng ruộng. Tuyến đê còn được bê tông làm đường giao thông tạo điều kiện cho người dân đi lại, phục vụ cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Điều mà tui cũng như người dân Quảng Phú, Quảng Thọ lo lắng là tuyến đê hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ lụt”.
Dọc theo tuyến đê nối dài từ Quảng Phú đến Quảng Thọ, chúng tôi chứng kiến nhiều điểm bị hư hỏng, sạt lở sâu, tạo “hầm ếch” phía dưới mặt đê. Chỉ cần một vài trận lũ thì tuyến đê có thể bị sạt lở, sập hoàn toàn. Mặt đê được bê tông làm đường giao thông cũng bị xuống cấp, nhiều “ổ gà”, vết rạn nứt lớn, kéo dài gây mất an toàn cho người dân đi lại.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Thái Văn Danh khẳng định, đê NLNL có vai trò quan trọng, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân. Song, cứ đến mùa lũ lụt, tuyến đê đoạn từ cổng làng Nam Phù đến Bác Vọng Đông bị sạt lở nặng, nước tràn vào khu dân cư, đồng ruộng. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng dân quân, đoàn thể ra quân, dùng bao tải cát gia cố tạm thời, cứu đê để bảo vệ dân làng. Hiện tuyến đê không còn độ bền vững, có nguy cơ vỡ khi lũ lụt lớn tràn về. “Có một tuyến đê kiên cố, kết hợp giao thông bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất, bảo vệ an toàn cho người dân là mong muốn của chính quyền và người dân các địa phương”, ông Danh nói.
Cần phương án thi công hợp lý
Theo thiết kế, công trình đê NLNL sau khi được nâng cấp đảm bảo kiên cố, bền vững. Theo đó, đoạn từ Km0- Km0+566 có chiều dài 566m được xây dựng với kết cấu cao trình đỉnh đê từ +2,8-3,7m, được gia cố bằng bê tông rộng 3,5m; đắp lề mỗi bên rộng 0,75m, thân đê được đắp bằng đất cấp phối đầm chặt... Đoạn còn lại dài 3.901m có cao trình đỉnh đê +3,7m, đỉnh đê rộng 5m, được gia cố bằng bê tông rộng 5m; thân đê được đắp bằng đất cấp phối đầm chặt, mái đê được gia cố bằng đá lát khan trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép, chân đê được gia cố bằng đá lát khay dày 25cm... |
Trước sự xuống cấp của tuyến đê, cách đây lơn 1 năm, Dự án nâng cấp đê NLNL được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 36 tỷ đồng. Ông Phạm Lê Hữu Tiến, Giám đốc Ban Quản lý công trình đê NLNL thông tin, dự án nâng cấp đê NLNL do Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư. Tuyến đê được nâng cấp, kết hợp đường giao thông đoạn qua xã Quảng Phú, Quảng Thọ và các vùng phụ cận dài gần 4,5km. Dọc bờ đê sẽ xây dựng các bến nước sinh hoạt, bãi tránh xe và công trình trên tuyến phục vụ tưới tiêu. Công trình có nhiệm vụ chính là đảm bảo ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn, bảo vệ trực tiếp cho 250 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng trăm hộ dân, các công trình văn hóa, công cộng của các địa phương. ..
Đến tháng 7 năm 2017, dự án bắt đầu triển khai một số hạng mục, như giải phóng mặt bằng và xây dựng các cống thoát nước dưới đê. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 9/1, trên công trường vẫn “im lìm”, không một bóng công nhân, thiết bị thi công.
Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Đây là công trình lớn, thời gian thi công kéo dài 3 năm, trong khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, bất thường sẽ gây nhiều bất lợi trong quá trình xây dựng. Như đợt lũ cuối năm vừa rồi, một số hạng mục đang thi công chưa xong thì bị lũ lụt gây hư hỏng... Đề nghị các cấp bố trí kinh phí kịp thời để rút ngắn thời gian hoàn thành công trình. Nếu không thể bố trí kinh phí để làm tổng lực, rút ngắn thời gian thi công thì chủ đầu tư cần tập trung xây dựng hoàn thành các đoạn xung yếu, trọng điểm, không đầu tư dàn trải nhằm tránh thiệt hại về kinh tế và gây khó khăn đi lại của người dân”.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh: Xây dựng đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó Công trình đê NLNL có vai trò rất quan trọng trong công tác ứng phó lụt bão, biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn trực tiếp hai xã Quảng Phú, Quảng Thọ. Công trình được tỉnh rất quan tâm và đã phê duyệt dự án nâng cấp với thời gian thi công trong 3 năm, bắt đầu triển khai từ cuối năm 2017. Tuy nhiên do phụ thuộc vào nguồn phân bổ từ ngân sách nên kinh phí không thể cấp một lần, chỉ cấp từng năm, từng đợt. Vì vậy, chủ đầu tư cần có phương án xây dựng đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó, không thi công dàn trải để tránh thiệt hại do mưa lũ. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều