Kẻ độc bước lữ hành, người thân thiết đợi chờ nhau hoặc giờ phút chia ly tiễn biệt trên sân ga luôn là những khoảnh khắc mông lung vời vợi. Những ga tàu được gói ghém, nâng niu và trở thành ngăn kéo ký ức không dễ gì phai nhạt. Để đến khi thảnh thơi ngồi lại, cái bẩm tính đa mang hoài niệm lại khiến ta không thể giấu nổi những phút nhung nhớ bồi hồi.

Tôi thích đi tàu hỏa. Vì tiết kiệm. Vì đường tàu một mình một hướng. Vì mỗi khi trên những chuyến hỏa xa như thế, tôi lại nhớ về những năm tháng ấu thơ khi cùng gia đình di chuyển hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác để tiện công việc của bố tôi. Mấy chị em chúng tôi ngày ấy rất thích cảm giác đi tàu mà không hề hay biết lòng dạ người lớn đang ngổn ngang trăm mối thế nào. Cứ lên tàu là thấy đông vui tấp nập, nhất là mỗi khi ngồi ở khoang gần cửa sổ, mở mắt ra là cỏ cây sông núi như trải thảm trước mắt mình, và gió tạt vào mặt làm xiêu vẹo rối bù mái tóc. Lớn hơn chút nữa, một mình "nhảy" tàu đi Hải Dương để được tận mắt nhìn thấy cái phố huyện Cẩm Giàng ngoài đời trong văn Thạch Lam xem thực sự nó ra làm sao. Men theo lối đi rải đá dăm trên đường ray xe lửa, tôi đặt bước chân đến được mảnh đất mà Thạch Lam đã lấy làm bối cảnh trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. Phố huyện vẫn nhỏ bé và yên tĩnh như thế nhưng giờ đã thành địa danh từ khi chính thức đi vào văn học. Tiếng còi hỏa xa vang lên, bánh sắt chậm dần trong xao xác ngóng trông của những quầy hàng xén gần ga xép... Chỉ vài phút nữa, khi đoàn tàu dừng bánh, ánh sáng lóe lên làm bừng sáng cả con phố u buồn.

Từ ngày vô Huế ở, cứ thi thoảng lại đi tàu từ Ga Huế về Ga Hà Nội, rồi từ đó bắt xe đò về thăm nhà. Lúc này mới thấy cái cảm giác thích thú mỗi khi đi tàu hồi nhỏ thật là xa vời và xa xỉ. Hai bên đường tàu bây giờ cũng khác, hầu như khắp chốn, nơi nào cũng chật chội và đông lên. Chỉ duy một điều thích thú, tiếng rao đêm ngang những trạm ga, hơi khói bốc lên từ những món ăn khuya, tiếng nói cười phấn khởi của những người chờ tàu... Hình ảnh sấp ngửa, bình dị luôn là điều ở lại sau cùng trên mỗi trạm dừng chân.

Bây giờ, thanh xuân gần qua rồi, mà lòng người cứ ôm mãi những mộng mơ hồi mới lớn. Mỗi khi đón tàu lên trường đi học, tôi luôn nhớ những thứ bé nhỏ cần kiệm mà mẹ chuẩn bị cho để mang đi. Một vuông áo mới, một đùm xôi trong lá dong xanh, một mùi hương khỏa ra từ mớ bồ kết già, hoặc đôi khi đọng lại phút cuối lúc lên tàu là hình ảnh một bó rau cải treo trên cánh cổng tre ọp ẹp khóa quàng dây thép... Mấy thứ đó luôn có trong hành trang trên mỗi cuộc đi, rồi ở lại mãi chưa một phút "buông tha" trí nhớ. Vì thế mà dẫu cho đã từng trong đục thế nào, tôi vẫn tin cậy vào nguồn cơn cảm xúc của chính mình. Đó là những điều được chắt lọc từ trải nghiệm và hồi ức cá nhân, trên những ga xép tự do và thanh thản.

Mấy hôm trước ra Ga Huế để mua vé tàu về nhà ăn Tết. Cứ nghĩ mình đi mua sớm, té ra dân tình đã mua trước tự bao giờ. Cầm chiếc vé trên tay, tự dưng bần thần nghĩ ngợi, đã bao lần mình vụt qua cột đèn đỏ đường sắt kia, còn bao lần đợi tàu để về nhà gặp lại người thân? Tại ga xép này, bao nhiêu lượt, bao nhiêu đoàn tàu đã dừng chân rồi lại rời bến, có ai đếm nổi?

Mà thực ra cũng chẳng nên đếm làm gì, bởi ga đời không tính chuyến.

NGUYÊN HƯƠNG