Với dung lượng của bài báo tuy ngắn, tác giả đã cố gắng phác thảo bức tranh về giá trị văn hóa Huế. Tiếc rằng, bài báo có một số nội dung thiếu chính xác, hoặc không đúng. Xin nêu dẫn chứng.

Chùa Thiên Mụ - một điểm đến nổi tiếng của Huế

Về khái niệm Folklore, tác giả viết: “Folklore là thuật ngữ chỉ văn học dân gian vùng đất, (...)”. Thực ra, Folklore là một thuật ngữ bao hàm nhiều nội dung của văn hóa dân gian trong đó văn học dân gian chỉ là một yếu tố của Folklore; như phong tục, tập quán, tín ngưỡng âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật dân gian, lễ hội…

Về tranh làng Sình, bài báo viết:

“... tranh Sình với muôn màu sinh hoạt làng quê”. Ai cũng biết tranh làng Sình (làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) là dòng tranh thể hiện tín ngưỡng dân gian. Tranh làm ra với mục đích duy nhất là phục vụ cho lễ cúng, cúng xong là đốt. Không rõ tác giả căn cứ vào đâu mà viết: “tranh Sình với muôn màu sinh hoạt làng quê”; viết như thế người đọc có thể hiểu tranh làng Sình phản ảnh cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của làng quê xứ Huế.

Về ca Huế, bài báo viết: “Ca Huế (…) bày tỏ tâm trạng trên các con sông lững lờ, trên các cánh đồng tre trúc vây quanh, hoặc ngay dưới những ngôi nhà cô tịch…”. Viết như vậy là không chính xác. Không gian diễn xướng nguyên thủy của ca Huế là trong các cung phủ rồi lan ra ngoài xã hội như nhà quan lại, phú gia, sau có thêm trên những con đò nhỏ trên dòng Hương (nhưng cũng rất ít). Giờ ca Huế còn được trình diễn trên những chiếc thuyền du lịch trên sông Hương là chủ yếu. Ca Huế trước nay trên sông Hương ở kinh thành Huế là chính.

Nói rằng không gian diễn xướng của ca Huế là “trên các con sông, trên những cánh đồng tre trúc vây quanh” là không chính xác và không nêu được đặc trưng của không gian diễn xướng ca Huế. Ca Huế là loại ca nhạc thính phòng có tính bác học, chuyên nghiệp, là lối ca sa-lông, ca “tri âm, tri kỷ”, đỉnh cao của hình thức diễn xướng đơn lẻ trong âm nhạc dân tộc. Tác giả viết tiếp: “Rồi điệu hò mài nhì, nam ai, nam bằng, hát lý, hát sắc bùa… đã hình thành một không gian diễn xướng dân gian tuyệt hay, rất hiếm nơi có được”.

Ca Huế trên sông Hương

Như vậy, ta có thể hiểu nhóm các làn điệu bài bản: hò mái nhì, Nam ai, Nam bằng, lý Huế, hát sắc bùa… có một không gian diễn xướng khác ca Huế, trong đó Nam ai, Nam Bình mà tác giả liệt kê chính là những bài bản ca Huế nổi tiếng. Cũng câu trên, tác giả không cho biết không gian diễn xướng của các làn điệu trên là ở đâu mà tác giả cho là “tuyệt hay, rất hiếm nơi có được”?

Ở một đoạn khác, tác giả viết: “ (…) văn học dân gian Huế, cả nội dung và hình thức đều có những cái khác so với văn học dân gian cả nước”. Theo tác giả, “những cái khác ấy” trong truyện kể, ca dao và tục ngữ. Tác giả viết: “Những truyện kể nhằm giải thích thiên nhiên cũng nhắm khá nhiều đến các địa danh, tín ngưỡng: sự tích chùa Thiên Mụ, núi Túy Vân, Thai Dương thần nữ… Ca dao cũng thể hiện điệu thức tâm hồn Huế: “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Em qua không kịp, tội lắm anh ơi!...”. Sản vật xứ Huế trong kho tàng ca dao tục ngữ là vô cùng phong phú: “Cau Mỹ Lợi, quýt Hương Cần”, “Mắm chuồn, dưa cải, chột nưa/ Hẻo rằn Tiên Nộn nắng mưa qua ngày”… Thiết nghĩ những nội dung và hình thức mà tác giả nêu chưa phải là “đều có những cái khác so với kho tàng văn học dân gian cả nước”. Tác giả có thể yêu quý văn học dân gian xứ Huế mà viết quá lên chăng?

Bài viết của tác giả Hạ Nguyên đã cho đọc giả biết phần nào “hồn Huế” qua Folklore. Tuy nhiên ở một số chỗ, bài viết cần chuẩn xác hơn, súc tích hơn và nhất là cần nêu lên được những giá trị đặc trưng của Folklore vùng văn hóa Huế.

BBT Báo Thừa Thiên Huế xin cảm ơn tác giả Minh Khiêm về những vấn đề đã trao đổi. Chúng tôi xin tiếp thu và mong muốn nhận được nhiều phản hồi, góp ý của độc giả để các tác phẩm báo chí có chất lượng hơn.

Bài: MINH KHIÊM - Ảnh: VÕ NHÂN