Tất nhiên, đó chỉ là nói vui về hiệu ứng "ăn theo" thôi, chứ mục đích của Ngân hàng Nhà nước là để tiết kiệm, mà theo tính toán, riêng khoảng chi phí in ấn đã tiết kiệm đến 280 tỷ đồng cho ngân sách. Một lý do khác, dù không được nhấn mạnh nhưng theo chúng tôi nó khá quan trọng và rất cần phải được nhắc tới, đó là để hạn chế tình trạng dùng tiền lẻ để đi lễ đền chùa trong mùa lễ hội này.

Nghề nghiệp cho chúng tôi cơ hội được đi đây đi đó khá nhiều. Và trong những chuyến đi như thế, chúng tôi từng phải mục kích cái thực trạng nản lòng của tiền lẻ ở tất cả các điểm du lịch tâm linh, từ am điện, chùa miếu, cho đến hang động, núi non..., miễn ở đâu có thờ tự, ở đó có... tiền lẻ. Thực trạng này đặc biệt nhiều, đến mức phổ biến ở các địa phương phía bắc. Từ Hà Nội về Nam Định, lên Kiếp Bạc - Côn Sơn, hoặc Trúc Lâm Yên Tử, hay chùa Hương, chùa X, Y, Z... đâu đâu cũng thấy tiền lẻ. Tiền lẻ rải đầy xuống giếng thiêng, tiền lẻ đèo bòng trên mâm đồ lễ, tiền lẻ nhét vào chân, vào tay, thậm chí cả vào... mồm các pho tượng bất kể đó là thiên thần, hộ pháp, hay bồ tát, Phật tổ (!)... Thế cho nên, cái dịch vụ đổi tiền lẻ thấy mọc lên nhan nhản ở khắp các tuyến đường dẫn vào đền chùa miếu điện; "tỷ giá" thì chục ăn 7, chục ăn 8, chục ăn 5, hay thậm chí cả tỷ lệ 1/1... đều có tất; nó tùy lúc tùy nơi, tùy mệnh giá và tùy cả... sức hút hàng. Có nhắc, có đề nghị, có cấm đoán cũng vậy!??

Từ Bắc, thói quen rải, nhét tiếc lẻ theo chân "con nhang đệ tử" lan dần vào Nam. Ở Huế tuy chưa đậm đặc, nhưng từ lâu cũng đã thấy rải rác xuất hiện hiện tượng này. Chùa điện chưa kể, ngay cả di tích cũng không được tha. Tôi nhiều lần được dự, đưa tin lễ hội/lễ tế Nam Giao và đã từng chứng kiến cái cảnh không hiếm người khi đến phiên mình được dâng hương thì bằng mọi giá phải "dấm dấm, dúi dúi" nhét cho được vài ngàn tiền lẻ vào bát hương hay nải chuối... Mặc cho đích thân Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đứng bên nhắc nhở...

Chả lẽ các bậc đã đắc quả thánh nhân, thần phật mà vẫn còn vướng bận với tham sân si như những kẻ trần tục? Mà giả dụ các bậc ấy còn "tâm tham" đi nữa thì chẳng lẽ "cái công" họ khổ luyện tu hành trải nhiều đời nhiều kiếp, nay chỉ "xứng" được dâng cúng... tiền lẻ? Như vậy, người dâng cúng là thành kính hay bất kính với thánh nhân! Hoặc là có ai đó suy nghĩ, các bậc ấy có phép thần thông, ít hóa thành nhiều, lẻ hóa thành... chẵn? Nếu đã thần thông thì thích thứ gì, "họ" hô biến cái là có, cần gì ai phải dâng cúng?!!...

Tư duy kiểu gì đi nữa vẫn thấy nó vô lý vô sự, nó phi logic, phi khoa học. Vậy mà không hiểu sao, cái thói quen xấu xí tệ hại kia vẫn tồn tại và lan truyền?

Có lẽ đã đến lúc giới truyền thông và ngành văn hóa phải đồng tâm hiệp lực, "ra quân" mạnh mẽ và kiên trì để xóa bằng được cái thói quen phản cảm kia ra khỏi đời sống xã hội. Để rồi đây, mỗi khi tết đến xuân về, đình chùa miếu điện, di tích lịch sử văn hóa không còn phải khổ sở, nhem nhuốc với những mớ tiền lẻ "vô minh" của người đời...

HIỀN AN