Hoàng Hải (ngoài cùng bên trái) trong dự án đạp xe gây quỹ cho các trẻ em ở Trung Tâm Bảo Trợ Người Khuyết Tật Tịnh Trúc Gia, một trong những hoạt động "gap year" của Hải

“Gap year” là 365 ngày không đến trường, hoặc đã tốt nghiệp cũng chưa vội “lao đầu” kiếm việc làm, thời gian ấy dùng để part-time (làm việc bán thời gian), đi du lịch, làm tình nguyện… Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn sống trọn vẹn với một năm không bó khung theo chuẩn mực “hoặc đi học hoặc đi làm” để tìm cho mình những trải nghiệm sống mới mẻ, mang lại sự tích cực thay đổi tư duy và quan niệm sống.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi ngành Kiến trúc nhưng chưa vội “lăn xả” vào cuộc sống bó gọn “cơm – áo – gạo – tiền”, Hoàng Hải, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học (ĐHKH) Huế, lên kế hoạch cho một “gap year” đầy ấn tượng. “Mình muốn dành một "năm trống" để đi đây đi đó, trải nghiệm, làm những thứ mình thích và suy nghĩ về kế hoạch muốn làm, sống như thế nào trong tương lai. Nó có thể không chỉ là một, mà là nhiều "năm trống" nếu như vẫn cảm thấy chưa đủ”, Hải bộc bạch.

Dù chỉ mới nửa chặng đường “gap year” nhưng nhìn lại, Hải đã gặt hái được nhiều điều bổ ích cho bản thân. Hải tham gia chuỗi sự kiện chia sẻ Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Hội An - Nha Trang với vai trò thành viên ban tổ chức, lên kế hoạch, chạy chương trình và đánh giá, tổ chức các sự kiện chia sẻ, kết nối sinh viên. Hải còn là cộng tác viên của “Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị” thiết kế các khóa đại học không giảng đường, là điều phối nhân lực tại “Vườn thực nghiệm Thượng Thành – Huế” thiết kế quy hoạch vườn, đạp xe gây quỹ cho các trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia (Thừa Thiên Huế)... Hải chia sẻ: “Thời gian gap year giúp mình hình thành những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội quan trọng trong cuộc sống (giao tiếp, thuyết phục, ra quyết định, làm việc nhóm…) thông qua các tình huống phát sinh thực tế”. Bên cạnh những trải nghiệm bổ ích, những bài học thực tiễn, Hải còn “ẵm” về cho mình giải “Vật liệu thân thiện môi trường” trong cuộc thi “Giải thưởng kiến trúc xanh Sinh viên 2017” với tác phẩm “Trường tiểu học thị trấn Khe Tre – Thừa Thiên Huế” do Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam trao tặng.

Phương Thảo, cựu sinh viên Trường ĐHKH Huế, cho rằng: “Gap year theo định nghĩa của mình là “trường đời”, nơi mà không sách vở hay thầy cô có thể chỉ dạy giúp bạn, bản thân bạn sẽ là người học và người tự khám phá qua những lần “cọ xát” với thực tiễn. Nhưng muốn “gap year” hiệu quả thì trước đó phải tích luỹ kiến thức trong quá trình học tập, làm việc”. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thảo “gap year” với hình thức làm part-time tại một quán bar cho khách Tây. Ở đó, cô giữ vai trò của một bartender (nhân viên pha chế). Nhờ công việc này, không chỉ có thêm một nghề tay trái là pha chế rượu, thức uống mà còn tạo cơ hội để Thảo tiếp xúc với du khách nước ngoài. “Mỗi ngày làm việc, mình và khách thường trò chuyện bằng tiếng Anh, cùng kể cho nhau nghe về niềm vui, trăn trở trong cuộc sống của mỗi người, nhờ đó khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình khá lên rất nhiều”. Khi cảm thấy đã “đủ”, Thảo dừng công việc làm thêm để đi du lịch Tây Bắc, qua những chuyến đi, cô hiểu thêm các nền văn hóa, giúp phong phú tri thức và tinh thần cho bản thân.

Còn đối với Bảo Nhi, sinh viên năm cuối Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Huế, cô ấp ủ sau khi tốt nghiệp sẽ gap year bằng cách tham gia tình nguyện quốc tế, vừa là trải nghiệm, vừa để học hỏi các mô hình tình nguyện hiệu quả của thế giới để có thể về áp dụng ở Việt Nam.

“Gap year” theo đúng nghĩa sẽ mang đến mặt tích cực, diện mạo mới cho bản thân khi có cơ hội được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động mới mẻ. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, “gap year” cũng cần được xây dựng kế hoạch rõ ràng, tránh việc lãng phí thời gian, để lại những “lỗ hỗng” kiến thức, kỹ năng, khiến bản thân càng thu mình trước nhịp điệu hối hả của cuộc sống. Theo thầy giáo Hoàng Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng Công tác Học sinh – Sinh viên Trường ĐHKH Huế: “Gap year nên có kế hoạch chi tiết, mục tiêu rõ ràng. Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để các bạn có thể nhìn nhận ra mình là ai, thích điều gì, làm gì và có khả năng như thế nào”.

Bài, ảnh: Phước Ly