Cơ sở lưu trú chỉ đóng vai trò để khách nghỉ qua đêm chứ không phải yếu tố chính để giữ khách

Dịch vụ chưa tốt

Sở Du lịch cho biết, lượng khách lưu trú khi đến Huế trong năm 2017 đạt khoảng 1,84 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ, nhưng số ngày lưu trú chỉ là 1,79 ngày, giảm 0,21 ngày so với năm 2016. Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, để đánh giá sự phát triển thật sự của điểm đến thì chỉ số khách lưu trú và số ngày lưu trú mới đóng vai trò quyết định. Khi thời gian lưu trú kéo dài mới tăng được mức chi tiêu của du khách, sử dụng các dịch vụ gia tăng và đem lại lợi nhuận cho Huế. Còn nếu khách đến tham quan thì chỉ thu được vé tham quan di sản và 1-2 bữa ăn.

Cần có thêm sản phẩm vui chơi giải trí để giữ chân khách

Dù đã có nhiều nỗ lực thay đổi các dịch vụ ban đêm trong năm 2017, nhưng đánh giá khách quan, Huế vẫn còn thiếu những sản phẩm hấp dẫn. Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc DMZ phân tích: “Lý do mà Huế không giữ được chân du khách lâu hơn có hai nguyên nhân chính. Trước tiên là lý do chủ quan, Huế thiếu chỗ để khách vui chơi thật sự. Năm 2017, phố đi bộ Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu hình thành, nhưng lại vào các tháng cuối năm và chính phố đi bộ cũng không phải điểm vui chơi đủ sức nặng để níu chân khách. Hay Đại Nội về đêm cũng chỉ dừng lại ở tham quan, chứ không phải vui chơi, giải trí. Lý do thứ hai là khách quan, sự nổi lên quá nhanh của các điểm xung quanh Huế khiến các nhà làm tour chia thời gian lưu trú. Chẳng hạn như khách đến Việt Nam 10 ngày, trước đây, Quảng Bình chưa nổi lên thì các nhà làm tour chọn Huế 2 ngày. Nay thì có sự phân chia cân bằng giữa hai bên, và dĩ nhiên, Huế mất một ngày lưu trú”.

Đúng là Huế đang thiếu một điểm vui chơi giải trí xứng tầm. Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế nhìn nhận, thật ra ở Huế không thiếu sản phẩm, thậm chí còn nhiều hơn cả Hội An và Đà Nẵng, nhưng điều khiến Huế chỉ giữ chân khách đúng 1 ngày là dịch vụ chưa tốt, chưa làm khách hàng thấy “sướng” so với kinh phí bỏ ra sử dụng dịch. Hay như ở Khu du lịch Khoáng nước nóng Thanh Tân, khách cũng chỉ ở lại một đêm để ngâm tắm, ngoài ra không còn dịch vụ hỗ trợ, các điểm du lịch xung quanh cũng không đủ hấp dẫn. “Nhiều người cho rằng, giá dịch vụ du lịch ở Huế rẻ sẽ kéo khách ở lại lâu hơn. Nhưng không phải thế, có nhiều nơi giá dịch vụ vẫn cao nhưng khách vẫn đi, vì ở đó chất lượng dịch vụ tương xứng và có tính độc lạ”, ông Vũ Văn Chương đánh giá.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, một lớn lượng lớn khách đi du lịch vào những ngày nghỉ, dịp cuối tuần để được nghỉ ngơi, giải tỏa tâm lý, hòa nhập vào các trò chơi để xây dựng lại nguồn năng lượng. Điểm vui chơi giải trí với những loại trò chơi để du khách hòa mình vào thì Huế đang thiếu.

Năm 2017, Huế có sự tăng trưởng rất mạnh thị trường khách Hàn Quốc, khi chiếm đến 22,5% thị trường khách. Nhưng dòng khách này chủ yếu đến Huế chỉ để tham quan. Các nhà làm tour khi thiết kế đưa khách xuống sân bay Đà Nẵng, chỉ đưa khách ra tham quan Huế rồi quay lại Đà Nẵng lưu trú. Do đó, dù tăng số lượng khách nhưng nguồn thu từ thị trường này không được nhiều.

Bàn giải pháp

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch chia sẻ, ngành chỉ đặt mục tiêu “nhích” nhẹ số ngày lưu trú vào cuối năm 2018. Huế chỉ thực sự giữ chân khi có những nhà đầu tư chiến lược, tạo ra nguồn khách ổn định. Chẳng hạn như ở Laguna, họ tự giải quyết về nguồn khách chứ không cần có sự giúp sức của cơ quan Nhà nước.

Riêng về thu hút những nhà đầu tư chiến lược, trước khi để các nhà đầu tư “móc hầu bao” thì cần chứng minh được du lịch Huế thật sự sinh động. Đầu tư vào Huế sẽ có nhiều cơ hội sinh lời. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để làm được đều này thì bức tranh du lịch Huế cần thay đổi. Trước tiên Huế phải thay đổi bộ mặt, Huế phải đẹp hơn, lung linh về đêm, có nhiều sản phẩm mới để khách bắt đầu quay trở lại thì khi đó mới thu hút được các nhà đầu tư. Nhận thức này sẽ được thay đổi trong thời gian đến, bằng hàng loạt ý tưởng và đầu công việc cụ thể đã được lên kế hoạch.

Ông Đinh Mạnh Thắng nhấn mạnh, nói về sản phẩm để giữ chân du khách thì không có gì bằng các sản phẩm gắn với di sản. Lâu nay nhiều người nói di sản Huế đã nhàm chán và không còn sức hút khách, nhưng theo tôi không phải thế. Nhàm chán là bởi thiếu những trải nghiệm, chưa để cho khách hòa vào với di sản, chỉ yếu đi bộ và ngắm di sản thì khách “ngán” cũng dễ hiểu. Đại Nội cần phục dựng lại đời sống xưa, thêm những show diễn thật hoành tráng và giúp du khách có thể vào vai. Đã đến lúc, di sản cần xã hội hóa để doanh nghiệp làm điều này.

Theo ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, hằng tháng Huế phải có 1 hoạt động “đinh”, mỗi tuần có sự kiện, lễ hội định kỳ. Khi hình thành được thì sự phân vai giữa các đơn vị phải đều tay, lễ hội này kết thúc rồi mới sang lễ hội kia, tạo thành một chuỗi hoạt động trong ngày.

Ông Đức phân tích: “Khách ra Huế và vào lại Đà Nẵng lúc 5h chiều, không có một cái gì đó giữ chân vào lúc này. Do đó, đúng 5h sẽ có một lễ hội áo dài ở cầu Trường Tiền chẳng hạn. Giữ khách thêm 2-3 tiếng, đến 8h tối, ở Đại Nội bắt đầu các chương trình. Khoảng 10h tối có thêm một chương trình ở phố đi bộ, hay có chương trình giảm giá đặc biệt sau 10h tối để khách đi ăn đêm ở phố ẩm thực. Giữa các sản phẩm cũng cần có sự liên kết, như buổi sáng vào Đại Nội có vé và trong vé đó sẽ được giảm bao nhiêu phần trăm khi ăn ở phố đi bộ vào ban đêm, hay được giảm giá khi mua các phẩm Đại Nội về đêm”.

Hy vọng với nhận thức thay đổi và những góp ý mà những giải pháp được nêu, Huế sẽ giữ chân được khách bằng chính sức hút của mình, chứ không cần phải đi hai đầu và mời gọi đưa khách về thêm cho Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang