Nhiều thành tựu nổi bật năm 2017
Năm 2017 đã khép lại, Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế được nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá rất cao. Đặc biệt, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 7 năm qua.
Đây là mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và cũng vượt mọi dự báo, ước tính trước đó của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, cũng như của Chính phủ Việt Nam.
Năm 2017 đánh dấu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, ổn định. Nhiều chỉ số số kinh tế quan trọng đều tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục.
Trong đó các chỉ số ấn tượng như dự trữ ngoại tệ, thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khai sinh, xuất khẩu từ các ngành, lĩnh vực đều tăng mạnh, chỉ số chứng khoán lập kỷ lục.
Điều này cho thấy một năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đầy hứng khởi là động lực, tiền đề cho các năm tiếp theo tiếp đà tăng trưởng.
Đây là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đạt quy mô 5 triệu tỷ đồng (tương đương 223 tỷ đô la Mỹ). Mức GDP bình quân trên đầu người đạt 2.385 đô la Mỹ, tăng thêm 170 đô la Mỹ so với năm 2016.
Tập trung, ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh năm 2017 đã góp phần tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 đô la Mỹ không có gì quá phấn khởi mà thậm chí phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp.
Lý do này sẽ buộc Chính phủ phải hành động và hành động quyết liệt hơn nữa để cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam không vận động đi lên.
Trái lại, dù quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, dù GDP bình quân đầu người còn thấp, nhưng Việt Nam lại là một trong số ít nền kinh tế ở châu Á có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền - Đặc biệt là năm 2017, với tăng trưởng GDP đạt 6.81%, đồng thời, giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề an sinh xã hội, trong đó có thành tích giảm nghèo.
Bên cạnh việc cải thiện chất lượng tăng trưởng, việc tăng trưởng cao liên tục chính là điều kiện cần để Việt Nam sớm thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình và thu hẹp khoảng cách với nhiều quốc gia trong khu vực.
Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế này như thế nào để duy trì đà tăng trưởng cao, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tạo động lực đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình..
Theo Ngân hàng thế giới công bố, Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc.
Việt Nam cũng xếp hạng 68/190 nền kinh tế thế giới. 8/10 chỉ số của Việt Nam tăng điểm. Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam và Indonesia là 2 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua trên toàn cầu.
Trong đó, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, kiểm soát lạm phát.
Trong buổi tọa đàm về dấu ấn kinh tế Việt Nam trên VTV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – ông Lê Minh Hưng chia sẻ: “Vào năm 2017, mục tiêu thách thức, phải làm sao kiểm soát được lạm phát để giữ ổn định vĩ mô thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như điều tiết tổng phương tiện thanh toán, điều hành tỷ giá.
Nhưng phải duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng với chất lượng để đảm bảo hỗ trợ nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đồng bộ và rất linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều hành tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, điều tiết tín dụng ở mức hợp lý và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Đó là điều quan trọng để giữ được ổn định và kiểm soát được lạm phát. Kết quả điều hành chính sách tiền tệ cho thấy lạm phát cơ bản năm 2017 chỉ duy trì ở biên độ từ 1,4-1,6%. Rõ ràng chính sách tiền tệ sử dụng rất hiệu quả”.
Về vấn đề điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, năm 2017 đã được kết quả tích cực, thị trường ngoại tệ thông suốt, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá được giữ ổn định, linh hoạt theo diễn biến của thị trường.
Như vậy đã khơi thông được nguồn ngoại tệ rất lớn, trong thực tế để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Giải quyết được tâm lý bây lâu nay là găm giữ ngoại tệ, chúng ta đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn để tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Vấn đề tiếp theo là lãi suất, trong bối cảnh phải tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế đã giữ được ổn định mặt bằng lãi suất và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5%-1%. Đây cũng là thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Vấn đề nữa là công tác điều hành vĩ mô, dưới sự chủ trì của Chính phủ thì các bộ ngành phối hợp rất chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… qua chỉ đạo của Chính phủ và sự phối kết hợp như vậy cho kết quả điều hành vĩ mô đóng góp rất quan trọng vào nền tảng ổn định vĩ mô và duy trì được mức tăng trưởng.
“Kết quả diễn biến của tỷ giá cũng như hoạt động của thị trường ngoại hối trong 2 năm vừa qua đã cho thấy sự kiểm chứng rất rõ ràng về hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung, cơ chế điều hành tỷ giá mới nói riêng.
Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm chỉ là một trong những công cụ chính sách tiền tệ và đã được kết hợp rất linh hoạt và đồng bộ với các công cụ khác kể cả trên thị trường ngoại tệ và công cụ tiền tệ bằng đồng Việt Nam”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017 chính sách tiền tệ sử dụng rất hiệu quả. Ảnh: TTXVN
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Cũng theo ông Lê Minh Hưng, thị trường ngoại tệ rất ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Với kết quả tích cực như vậy đã tạo nên niềm tin, cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tiên định trong việc thực thi công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá và các hoạt động trên thị trường ngoại tệ để đạt được mục tiêu phát triên kinh tế xã hội mà Chính phủ đặt ra.
Đồng thời đạt được mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đã tăng đều trong suốt cả năm chứ không chỉ dồn vào cuối năm. Điều này cho thấy nền kinh tế cũng đã có kết quả tích cực, chất lượng tốt hơn.
Kết quả cuối 2017, đúng định hướng, dự báo, dự kiến từ đầu năm 2017, tổng mức tăng trưởng tín dụng sơ bộ năm 2017 dự kiến tăng trưởng khoảng 18,5%-19%.
Nhưng cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch rất rõ nét theo hướng tăng cường chất lượng, an toàn. Tín dụng tăng trưởng rất mạnh lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng trên 22%, công nghiệp chế tạo cũng tăng trên 22%, tín dụng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, xuất khẩu… cũng khá hơn năm ngoái.
Từ những yếu tố đó cho thấy chất lượng tín dụng đã được đảm bảo, trong đó ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, và trong công tác điều hành của ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên cảnh bảo những tổ chức tín dụng mà tập trung tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Qua công tác điều hành tín dụng, thanh tra, giám sát, cảnh báo sớm, đã góp phần làm cho tổng mức tín dụng tăng trưởng ở mức phù hợp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, kiểm soát được an toàn và hiệu quả.
Về xử lý nợ xấu, ông Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ năm 2016, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đến giai đoạn 2020 và gắn với xử lý nợ xấu.
Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để thông qua Nghị quyết 42 thí điểm về cơ chế chính sách xử lý nợ xấu. Đồng thời Chính phủ báo cáo Quốc hội để xem xét thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại, lành mạnh hóa các hoạt động tổ chức tín dụng, tăng tiến độ, khối lượng xử lý nợ xấu trong gian tới.
Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch, chương trình hành động rất cụ thể đến các tổ chức tín dụng xây dựng các lộ trình cơ cấu lại đối với từng tổ chức tín dụng cũng như tiến độ xử lý nợ xấu cụ thể để đảm bảo thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu đối với hệ thống ngân hàng.
Mục tiêu xuyên suốt theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và kiểm soát được những bất ổn, rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Theo GDVN