Bánh bông cây được làm từ bột đậu xanh

Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tên thật là Trần Thị Đang, sinh năm 1769, mất năm 1846, thọ 79 tuổi, an táng tại lăng Thiên Thụ hữu (bên phải lăng Thiên Thụ, nơi hợp táng vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan). Hơn 60 năm sống với chồng là vua Gia Long, con là vua Minh Mạng, cháu nội là vua Thiệu Trị, bà đã từng sống cùng với cháu, chắt 5 đời trong cung (ngũ đại đồng đường). Vua Minh Mạng lên ngôi (1821), bà được tôn làm Hoàng Thái hậu. Đến khi Thiệu Trị lên ngôi (1841) bà tiếp tục được tấn tôn là Thái Hoàng Thái hậu.

Khi bà tuổi già sức yếu, vua Minh Mạng và sau này là vua Thiệu Trị đã phụng dưỡng bà hết mực, nhiều lần trực tiếp hầu cơm bà. Chắc chắn rằng, Ngự thiện phòng và Ngự y trong cung đã dâng những món ăn trân quý, những vị thuốc bổ dưỡng để duy trì sức khỏe cho bà. Sau khi bà mất, con cháu và người hầu đã làm những loại bánh cúng tạo hình nhân sâm, gừng và các loài hoa quý để dâng cúng như lúc bà còn tại thế. Vì vậy, những thế hệ cháu chắt sau này của bà ở phủ thờ Văn Xá vẫn tiếp tục làm những loại bánh này để dâng cúng bà trong các ngày giỗ, lễ, Tết ở phủ và tiến cúng ở triều nội. Đúng ra phải gọi là bánh hoa nhưng vì kiêng tên mẹ vua Thiệu Trị nên gọi là bánh bông cây.

Bánh bông cây được làm từ nguyên liệu đậu (đỗ) xanh và đường kính trắng. Đậu xanh xay vỡ, ngâm nước nóng, đãi sạch vỏ rồi hông (đồ) chín, xong chà lên rây cho thật mịn rồi bỏ vào chảo trộn với đường kính trắng (theo tỉ lệ: một đậu, một rưỡi đường), rồi liên tục đánh và đảo đều (gọi là dáo bột) trên bếp lò than hoa (than củi) cho nhuyễn, đến khi đưa tay vào bột nếu thấy không còn dính tay là đưa ra để nắn thành hình củ sâm, gừng và các loài hoa. Màu sắc để nhuộm các chi tiết trên bánh đều dùng từ cây trái thiên nhiên như lấy màu vàng từ củ nghệ, quả dành dành; màu đỏ từ cây dền đỏ, quả gấc; màu xanh từ lá dứa…

Ngoài bánh hình củ nhân sâm, củ gừng, bánh hoa gồm các loại hoa quý như: hải đường, mai, lan… các loại hoa trên đều được tạo hình có đủ cành lá và phối các màu xanh, đỏ, vàng rất đẹp.

Ngoài ra còn có bánh hột sen, bánh sen tán. Bánh hột sen thì chỉ cần dùng nguyên liệu bột đậu xanh giáo chín rồi vo tròn như hình hạt sen. Còn bánh sen tán đúng nghĩa ngày xưa được làm khá công phu. Hạt sen lấy từ hồ sen lớn phía trước phủ thờ trộn với đậu xanh. Quy trình làm nguyên liệu như các loại bánh ở trên nhưng bỏ ít đường. Riêng công đoạn dáo bột thì phải dáo thời gian lâu hơn cho khô rồi tán rã ra thành bột xong mới đổ vào khuôn đồng nhỏ (theo mẫu hình chữ nhật) để in thành bánh (về sau loại bánh này chủ yếu làm từ đậu xanh). Tất cả các loại bánh kể trên đều được sấy bằng lò lửa than hoa đặt trong bồ, bánh được xếp trên sề rồi đặt trên bồ (bồ, sề là bộ công cụ đan bằng nan tre dùng để sấy của người Huế ngày xưa), quá trình sấy phải lật trở bánh cho thật khô để giữ được lâu. Riêng bánh hột sen, bánh sen tán sau khi sấy khô được gói vào giấy bóng kính nhiều màu trông rất đẹp mắt.

Bánh bông cây dâng cúng Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là một loại bánh ngon, đặc sắc được con cháu hậu duệ của phủ chế biến công phu. Nhìn từ cách tạo mẫu bánh, ta có thể hình dung được những món ăn, món dược liệu quý mà bà đã thường dùng lúc sinh thời hay những loại hoa quý mà bà thích thưởng ngoạn khi đi dạo trong vườn thượng uyển. Và, những bông hoa, cây trái đó đã được vua Minh Mạng cho khắc vào Cửu đỉnh. Ông Phạm Miên, năm nay hơn 90 tuổi, con rể của người trong phủ, hiện ở xóm Phủ Thờ, Văn Xá kể thời nhỏ, ông còn thấy các cụ làm những tháp bánh hình long phụng (bên trong có cốt đan bằng nan tre) rất đẹp để cúng tại phủ và đưa vào cúng trong nội (cung đình).

Trước đây, mỗi khi tết đến, nhiều người ở xóm Phủ Thờ, Văn Xá lại làm loại bánh này để đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong vùng. Song hiện nay phần lớn người làm được bánh ở đây đã già yếu không còn ai sản xuất loại bánh này. Lớp trẻ có người làm thử, nhưng không thể đạt được hình dáng bánh như ngày xưa. Hiện nay, duy nhất chỉ có bà Hồ Thị Kiều, một người cháu ngoại họ Trần Hưng, gọi người kế tự ở nền đất của phủ thờ bằng cậu ruột, hiện đang ở tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là người làm được loại bánh này.

Mong rằng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các cơ quan chức năng nên có kế hoạch để bảo tồn loại bánh có nguồn gốc từ cung đình để du khách trong và ngoài nước có dịp thưởng thức ẩm thực cung đình và tài năng của nghệ nhân làm bánh ở Huế.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế