Tuy vậy, cứ chốc chốc tôi lại thấy những người thản nhiên vứt rác xuống dòng sông xinh đẹp đó. Tôi vẫn thường tự hỏi với chính mình: “Người ta nghĩ gì khi vứt rác xuống sông?”.

Hẳn nhiên với nhiều người, điều đó không có gì là to tát. “Chỉ một cọng rác, một cái bao nilon, một tờ giấy, một cái lon… thôi mà...” – nhiều  người ắt sẽ nghĩ vậy. Nhưng, Huế có gần 400.000 người cư trú, nếu ai cũng đi theo lối suy nghĩ như vậy, thì sông Hương, hay các con sông khác ở Huế, có còn vẻ đẹp thuần khiết của dòng sông bao bọc Huế thương?

Không nói đâu xa, một chi lưu của sông Hương là sông An Cựu, trước đây đã từng bị ô nhiễm nặng bởi rác thải và ý thức kém của người dân. Dòng sông Lợi Nông trong xanh năm xưa giờ đây biến thành “kho” của khu chợ với đủ thứ rác thải làm nước sông đục ngầu. Những năm gần đây, sông An Cựu phần nào lấy lại được vẻ đẹp của mình, nhờ vào việc cải thiện ý thức của người dân quanh khu vực, cũng như các hoạt động làm sạch nguồn nước.

Sông An Cựu nhỏ nhưng cũng đã mất rất nhiều thời gian để khôi phục sau tình trạng ô nhiễm. Vậy nếu một ngày sông Hương trở nên đục ngầu, lềnh bềnh rác thải, mọi thứ sẽ tệ đến thế nào?

Liệu những khách du lịch nước ngoài đến Huế, khi thấy một dòng sông biểu tượng của đất Cố đô như vậy, họ sẽ nghĩ gì? Liệu rằng người dân xứ Huế có còn tự hào với một dòng sông ô nhiễm hay không? Hay liệu sẽ mất bao nhiêu lâu, bao nhiêu công sức, tiền của để khôi phục lại dòng sông khi nó bị ô nhiễm? Chưa hết, nếu dòng sông bị ô nhiễm, nó sẽ mang sự ô nhiễm đó sang các cửa biển, các bãi tắm. Nếu điều đó thật sự xảy ra, hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Có những điều nhỏ nhặt tưởng chừng như vô hại, nhưng “tích tiểu thành đại” ắt hẳn sẽ vô cùng có hại, cũng như việc vứt rác xuống sông.

Đăng Trình