Du khách xuống sân bay tham quan Huế

Nhiều thách thức

Kết thúc năm 2017, du lịch Huế đón 3,8 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,6%. Con số kỷ lục, nhất là khách quốc tế khi tăng đến 42,5% so với cùng kỳ với 1,5 triệu lượt. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhận định, dù nguồn khách có sự chững lại vào các tháng đầu năm, nhưng càng về cuối năm lượng khách tăng càng mạnh. 2017 là năm thành công nhất của du lịch Huế trong khoảng 5 năm trở lại.

Có được những kết quả đó, theo lãnh đạo Sở Du lịch, trước tiên là Huế đã hình thành được một số sản phẩm mới, từ trung tâm thành phố đến các huyện, thị xã, nhất là mở cửa Đại Nội về đêm, khai trương phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu. Dù còn một số khuyết điểm cần được tiếp tục hoàn thiện trong năm 2018, song phần nào giải được “bài toán” giải trí về đêm tại trung tâm TP. Huế.

Năm 2017, thành công trong liên kết du lịch đã làm tăng lượng khách không nhỏ đến với Huế. Ngoài liên kết với các địa phương truyền thống, như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, du lịch Huế còn khởi động và thúc đẩy thêm liên kết với Quảng Trị, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt; ký kết thỏa thuận hợp tác với Vietnam Airlines, Traveloka, Đường sắt, Bưu điện, Vietravel, Thiên Minh Group… những đối tác quan trọng, tạo ra bước đột phá cho công tác xúc tiến quảng bá bằng việc áp dụng thành quả cuộc cách mạng 4.0. Ông Lê Hữu Minh cho hay, khác với liên kết của những năm trước chỉ trên phương diện quản lý Nhà nước, giờ trong các hợp tác, doanh nghiệp chính là hạt nhân. Chính các doanh nghiệp ở hai đầu đã đưa nguồn khách lớn về Huế.

Kết thúc năm 2017, du lịch Huế còn không ít tồn tại, dù có thêm sản phẩm mới, nhưng chưa phát triển được các sản phẩm du lịch chất lượng cao để tạo doanh thu lớn và thu hút nhiều du khách. Chất lượng dịch vụ ở một số sản phẩm chưa được nâng cao. Không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi chưa hoàn thành, nên chưa tạo được chuỗi sản phẩm khép kín trên trục đường Lê Lợi kéo dài. Chưa thể hình thành các không gian ẩm thực tập trung ở các khu vực trung tâm trên địa bàn thành phố…

Ông Lê Hữu Minh nhận định, một trong những nguyên nhân chính là do hạn chế của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác, kết nối khách du lịch từ các thị trường quốc tế. Hạ tầng kỹ thuật và vận chuyển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của du lịch, nhất là việc khai thác các đường bay quốc tế cũng như tần suất các chuyến bay nội địa đến Huế. Hạ tầng giao thông kết nối từ Huế đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển… chưa đồng bộ, một số nơi còn làm cản trở sự phát triển của điểm đến.

Trong năm 2018, ngành du lịch phấn đấu đón 4,1-4,2 triệu lượt khách

Nhiều “cái mới” trong năm 2018

Năm 2018, du lịch - dịch vụ được xác định là một trong 4 chương trình phát triển trọng điểm của tỉnh. Lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ, đây vừa là thuận lợi khi du lịch được tập trung đầu tư hơn về nhân lực và vật lực, song cũng là áp lực khi sự kỳ vọng vào ngành kinh tế mũi nhọn quá lớn. Ông Lê Hữu Minh nhấn mạnh, có khá nhiều chỉ tiêu được đề ra, song ngành sẽ tập trung xây dựng hai thương hiệu chính mà tỉnh đã xác định, là: Huế - kinh đô của lễ hội và ẩm thực; thành phố du lịch “sáng và sống”.

Năm 2018, cả tỉnh sẽ tập trung nguồn lực tổ chức Festival Huế lần thứ 10, với nhiều chương trình, lễ hội hấp dẫn, thể hiện được nhiều nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt là văn hóa Huế. Sở Du lịch cho biết, sau Festival Huế, trong những tháng tiếp theo, sẽ tổ chức 1- 2 sự kiện, lễ hội nhằm tạo ra chuỗi hoạt động và điểm nhấn vào dịp cuối tuần để kích cầu khách. Các sự kiện sẽ diễn ra với chủ đề phù hợp theo từng thời điểm trong năm, chẳng hạn như lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hoa sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...; một số cuộc thi thể thao quốc tế mang tính đại chúng kết hợp khám phá tuyến di sản, đầm phá, thiên nhiên như đua xe đạp, chạy Marathon...

Ông Lê Hữu Minh nhấn mạnh, năm 2018 mở rộng một số khu vực trên cầu Trường Tiền để biến thành một không gian lễ hội, ẩm thực về đêm. Hình thành không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi để khai thác hiệu quả các thiết chế bảo tàng phục vụ khách du lịch và người dân. Hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu phố đêm Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An. Ở phía đối diện bờ bắc sông Hương, Kỳ Đài sẽ được chiếu sáng lung linh hơn, đường Lê Duẩn thêm ánh sáng… hứa hẹn hè năm 2018, Huế sẽ bừng sáng, nhộn nhịp và du khách có thể thức đêm để tận hưởng các dịch vụ.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho hay, ngay từ đầu năm 2018 sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến về ẩm thực Huế với chủ đề “Huế - Kinh đô ẩm thực – tận hưởng sự kỳ thú”. Ngành quyết tâm đưa ẩm thực Huế trở lại thời điểm vàng son. Khi khách đến Việt Nam, phải đến Huế thưởng thức ẩm thực.

Một tồn tại của Huế là sự phối giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan còn rời rạc. Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: “Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp, nhắc nhở các bên liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chung. Chủ động báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có sự đôn đốc kịp thời và thậm chí có hình thức xử lý. Qua đây, ngành du lịch cũng mong muốn các bên liên quan cùng chung tay để thực hiện nhiệm vụ chung”.

Ngành du lịch Huế phấn đấu năm 2018 đón khoảng 4 – 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 -12% so với năm 2017; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; khách lưu trú đạt khoảng 2,1 - 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 13-19% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2018.

Bài, ảnh: Đức Quang