Hỗ trợ người nghèo bò giống
Không muốn ngoài cuộc
Khi hai con vào đại học, ông Hồ Nga ở thôn 1, xã Quảng Công (Quảng Điền) rơi vào hộ nghèo. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vợ bệnh nặng, ông Nga phải tất bật mọi việc nhưng phần lo thuốc thang, phần lo tiền học hành nên của nả cứ đội nón ra đi. Ba năm trước, ông Nga được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng mua bò giống. Ông mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách mua thêm một con nữa. Ông là học viên lớn tuổi, chịu khó khi tham gia các lớp học thú y để chăn nuôi bò hiệu quả. Giờ đây, ông có trong tay đàn bò 6 con trị giá hàng chục triệu đồng. Không còn xa nữa để người cha ấy mơ về một mái ấm đúng nghĩa, khi các con cũng đã trở thành giáo viên và kỹ sư nông nghiệp.
Điểm mới của hỗ trợ người nghèo hiện nay là chuyển từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ con giống, cách làm ăn phù hợp. Nếu không đăng ký cam kết thoát nghèo theo lộ trình, họ sẽ đứng ngoài cuộc. Bà Kăn Lư ở thôn Pa Hy (Hồng Hạ) kể: “Ngày trước, cán bộ cho con gì thì mình nuôi con đó. Có lần, họ cho cặp heo nhưng tôi không có chuồng trại nên cứ thả rông, dịch bệnh nên heo chết, nghèo vẫn hoàn nghèo”. Còn bây giờ, giấc mơ có một đàn dê ngày ngày gặm cỏ trên triền đồi phía sau nhà sắp thành hiện thực. Bà Kăn Lư được tận tay đi chọn dê và học cách chăm sóc. Viễn cảnh thoát nghèo sắp thành hiện thực.
Xã Hồng Hạ (A Lưới) có hộ nghèo giảm dưới 25% trong năm 2017. Được trao quyền đề xuất cách thức giảm nghèo, 10 hộ nghèo ở xã Hồng Hạ chọn phương thức nuôi bò và dê khi hội tụ ba yếu tố: có chuồng trại, có vườn cỏ và có lao động. Các ban ngành hỗ trợ chừng 70%, còn lại chính người nghèo tự thân vận động. “Hiểu rõ nguyên nhân, thực trạng của các hộ nghèo, chúng tôi có biện pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp họ cải thiện điều kiện sống của từng người và cả gia đình”. Ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, một trong ba đơn vị giúp xã Hồng Hạ chia sẻ.
Mô hình nuôi trồng thủy sản giúp người dân phát triển kinh tế
Tiếp sức cho hộ nghèo
Số hộ nghèo giảm trong năm 2017 là 2.823 hộ, tương ứng 1,13% vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra là giảm 1,1%. Con số khá ấn tượng khi suốt thời gian dài nhiều hộ còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ hộ nghèo”.
Bà Lại Thị Lan ở thôn Trường Hà, xã Vinh Phú (Phú Vang) trải lòng, bà thực sự do dự khi đăng ký thoát nghèo, bởi nhiều người không ủng hộ hành động của bà. Họ cho rằng, số tiền vay không nhiều, thế nên cứ giữ nguyên hộ nghèo để hưởng chính sách. Nhưng, bà vẫn quyết tâm vì lòng tự trọng, muốn chấm dứt khỏi cảnh nghèo đói sau nhiều năm thiếu trước, hụt sau vì làm ăn thất bát.
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẳng thắn: “Nguồn vốn vay trong thời gian tới sẽ nhiều hơn, có sự giám sát chặt chẽ hơn để người nghèo đầu tư chăn nuôi, sản xuất “ra tấm, ra món”, không bị hụt hơi giữa chừng. Chúng ta có thể cung cấp công cụ họ cần để tự mình “chiến đấu” thoát nghèo”.
Ngân sách 5 năm tới dành cho công tác giảm nghèo trong toàn tỉnh khoảng 470 tỷ đồng. Nguồn vốn để người nghèo vay với lãi suất ưu đãi rõ ràng không thiếu. Người nghèo có quyền hy vọng. Không lâu nữa, mỗi người nghèo sẽ có một mô hình thoát nghèo theo cách riêng. Nhà nào ít lao động, cứ túc tắc chọn mô hình, như nuôi bò nhốt chuồng, nuôi lợn nái F1, nuôi cá chình trong bể… Người nghèo có thể hợp sức với nhiều hộ trong thôn để mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng trọt nhằm nhanh chóng thoát nghèo. Giao thông sẽ thông thoáng hơn khi nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân thuận tiện trong việc buôn bán, đi lại.
Xóa đói, giảm nghèo không có một công thức chung. Hiệu quả nhất là xây dựng phương án cải thiện cuộc sống trên nền tảng tài sản và khả năng của người nghèo. Cần nhìn nhận họ như những người đóng góp, người tham gia tích cực chứ không phải chỉ là người nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. Làm tốt điều đó thì trời sẽ không nỡ phụ và “nghèo ơi, xin chào” không còn là mơ ước.
Bài, ảnh: Huế Thu