Vì sao bất hợp lý ấy tồn tại trong một thời gian rất dài? Theo tôi là có lý do về nhận thức, rằng, đó là việc chung chứ không phải việc riêng của người nào, của địa phương nào, ngành nào. Từ nhận thức như vậy đã dẫn đến thiếu hẳn một quyết tâm thực hiện ở các cấp thực thi. Còn bây giờ, trước thực tế yêu cầu, nếu không thay đổi thì không được, bởi mấy lý do sau:
Thứ nhất là lý do kinh tế: Việc nuôi bộ máy nhà nước đã quá sức chịu đựng của ngân sách. Cứ hình dung ngân sách Nhà nước như một miếng bánh thì gần 4/5 đã được sử dụng cho việc chi để nuôi bộ máy (gọi là chi thường xuyên). Đã vậy, việc chi phí còn nhiều sự lãng phí, không cần thiết. Chúng ta không khó để chỉ ra những biểu hiện này, ví dụ như chuyện sử dụng xe công; chi phí hội họp, lễ lượt... Áp lực ngân sách đã đến ngưỡng không cho phép duy trì điều này nữa. Áp lực kinh tế thường có sức mạnh lớn hơn nhiều lần so với mọi lời nói. Cái này không phải nói suông mà nó đã được đúc kết thành lý luận.
Từ áp lực kinh tế dẫn đến quyết tâm chính trị rất cao. Từ lãnh đạo Trung ương đến các ngành, địa phương đều thể hiện rõ quyết tâm tinh giảm bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Việc cho thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh là một động thái rõ ràng. TP. Hồ Chí Minh luôn là xuất phát điểm của nhiều cải cách. Đây là một vùng kinh tế cực kỳ năng động nên khi vận hành, bản thân nó sẽ thải loại những yếu tố không hiệu quả. Chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy những động thái này. Khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện được điều này, đây sẽ là bài học loang ra nhiều địa phương khác.
Về mặt xã hội: Đó là sự đòi hỏi “gắt gao” sự cải cách hoạt động nền hành chính của người dân và nền kinh tế. Đặc biệt, đòi hỏi này được trợ giúp hữu ích của công nghệ thông tin, mạng internet. Đây là điều kiện chúng ta chưa từng thấy trước đây. Công nghệ phát triển đến nỗi mỗi người dân như một “nhà báo”. Nếu có một phản ánh nào đó, ngay tức khắc nó sẽ được lan truyền trên môi trường mạng đến với nhiều người. Loại trừ những thông tin không chân thật, chính đáng thì mặt tích cực là nó như một kênh giám sát, thúc đẩy cán bộ trong bộ máy nhà nước có thái độ phục vụ tốt hơn. Mặc khác, với các ứng dụng khác nhau một cách thông minh, nó có thể làm cho công việc của bộ máy hành chính trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn nhiều.
Một điều kiện khác là sự hội nhập sâu rộng. Khi hội nhập nó sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vị trí đứng của mình. So với người khác, đất nước khác, chúng ta đang phát triển nhanh hay chậm; nhanh hơn ở lĩnh vực nào và chậm hơn ở lĩnh vực nào. Tất cả mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế được đặt trong thế đối đầu cạnh tranh. Mà hoạt động kinh tế thì liên quan rất nhiều đến các lĩnh vực khác như hạ tầng, pháp luật, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh… và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Cạnh tranh chính là một trong những động lực của sự thay đổi. Sự cạnh tranh của các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế trong khu vực ngày càng trở nên “mạnh mẽ và khốc liệt” thì sự thay đổi càng đòi hỏi nhanh hơn để thích ứng.
Rõ ràng xét trên cả hai yếu tố kinh tế và xã hội, chúng ta thấy điều kiện bây giờ đã khác trước rất nhiều. Nó đủ những điều kiện để chúng ta hy vọng sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của nền hành chính và bộ máy nhà nước.
CÁT SƠN