Tự chủ là lối ra của các đại học Việt Nam hiện nay và Đại học Huế cần phải đổi mới theo lộ trình đó

Nhiều vấn đề được đặt ra, nhiều đề xuất đã đưa ra, nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn không e ngại, và mấu chốt của câu chuyện Đại học Huế hôm nay vẫn tựu trung ở hai chữ: tự chủ.

Từ báo cáo của Giám đốc Đại học Huế, cho đến ý kiến của các bộ trưởng giáo dục, y tế, và ngay câu phát biểu đầu tiên của Thủ tướng vẫn ghi nhận rằng: Đại học Huế là nơi hội tụ tinh hoa của miền Trung, 1 trong 5 đại học lớn của cả nước, đào tạo nhân lực cho cả khu vực. Thế nhưng, vị thế đó hiện đang như thế nào, và quan trọng nhất là tiếp tục ra sao, câu trả lời cũng chính là câu hỏi: Đại học Huế sẽ tự chủ như thế nào?

Đại học Huế cần cơ chế hoạt động của như đại học quốc gia để thực hiện lộ trình tự chủ đại học. Đó là một trong những kiến nghị mà PGS. TS. Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế - đã đệ trình Thủ tướng tại cuộc họp trưa 2/1. Đại học Huế trở thành đại học quốc gia, đó cũng là đề tài mà chúng tôi đã nghe bàn tán rất nhiều, trong suốt những năm qua. Tất nhiên, Thủ tướng và cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chỉ ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu đề xuất này. Nhưng theo ý kiến mà chúng tôi nhận được từ nhiều người trong lẫn ngoài Đại học Huế thì đây là đề xuất rất khó thực hiện lúc này. Bởi vì, hai tháng trước (đầu tháng 11/2017), Thủ tướng đã quyết định đầu tư lớn cho 3 đại học trọng điểm của quốc gia ở 3 miền, và trọng điểm của miền Trung là Đại học Đà Nẵng. Sự lựa chọn này dựa trên vị thế hiện nay của Đà Nẵng - trung tâm chính trị - kinh tế của quốc gia tại miền Trung, cùng với sự phát triển rất nhanh của Đại học Đà Nẵng nhờ biết khai thác tối đa lợi thế đó.

Vậy nếu chưa có cơ chế đại học quốc gia thì Đại học Huế có thực hiện “tự chủ đại học” được không?

Thủ tướng cho rằng, tự chủ là lối ra của các đại học Việt Nam hiện nay và Đại học Huế cần phải đổi mới theo lộ trình đó. “Thực tế, dù là 1 trong 5 trung tâm đại học lớn nhất nước nhưng Đại học Huế vẫn còn lúng túng và nhiều tâm tư đối với xu hướng tự chủ đại học”. Lời nhận xét của Thủ tướng cho thấy ông đã biết rõ tâm tư của Đại học Huế.

Nếu Đại học Huế vẫn cứ chờ đợi cơ chế đại học quốc gia thì thật khó, vì miền Trung không thể có hai đại học quốc gia lúc này. Nguồn lực đầu tư đã không nhiều mà còn phân tán thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, không còn cách nào khác hơn là Đại học Huế phải chủ động tìm cách thực hiện lộ trình tự chủ đại học. Thay vì chờ đợi cơ chế đại học quốc gia, Đại học Huế nên tự xác định cho mình một mô hình hợp lý, để tiếp tục tồn tại và phát triển theo xu hướng của thời đại. Thay vì chờ đợi nguồn đầu tư của trung ương (cho đại học quốc gia), nên tìm kiếm những nguồn đầu tư khác của xã hội, của các nhà tài trợ, của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Chợt nhớ lại câu chuyện buổi đầu ra đời của Viện Đại học Huế vào 60 năm trước, năm 1957. Khởi đầu chỉ với một tờ nghị định của chính quyền lúc bấy giờ và vài triệu bạc "làm vốn", vậy mà, trong hoàn cảnh đang có chiến tranh, nhưng bằng sự năng động quyết tâm, những người đặt nền móng cho Viện Đại học Huế lúc ấy đã vận động, thuyết phục... các cá nhân và tổ chức ủng hộ, và rồi chỉ sau vài tháng, một trường đại học tại Huế đã ra đời, vài năm sau nó đã trở thành một Viện Đại học với nhiều trường thành viên. Có cả nhà xuất bản, có một tạp chí Đại học rất uy tín, có một Viện Hán học và một Ủy ban phiên dịch sử liệu duy nhất của miền Nam bấy giờ, để dịch các tài liệu Hán văn phục vụ cho rất nhiều đại học khác trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, lịch sử. Viện Đại học Huế bấy giờ đã là một đại học quốc gia.

Tự chủ đại học là tự quyết định chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo; là tự quyết định việc tuyển dụng giảng viên, tuyển chọn sinh viên; là tự quyết định nguồn thu chi tài chính và xây dựng cơ sở vật chất; là xoá bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết của cơ quan chủ quản hoặc bộ giáo dục vào hoạt động của trường đại học... Với cách làm đó thì Viện Đại học Huế cũng đã từng thực hiện tự chủ trong suốt thời gian dài.

Tự chủ đại học là mệnh lệnh của cuộc sống. Vậy thì, Đại học Huế nên đi tìm cơ chế để tự chủ chính từ cuộc sống, mà cụ thể là từ người học và người sử dụng nguồn nhân lực do mình đào tạo ra.

Bài: MINH ĐĂNG - Ảnh: VĐN