Những điểm sáng

Người dân thôn Mụ Năm, xã Thượng Lộ biết đến chị Hồ Thị Hà, không chỉ bởi sự cần cù chịu khó trong làm ăn kinh tế, mà chị còn là tấm gương về sự đồng cam cộng khổ, thương yêu chia sẻ với nhau trong cuộc sống của vợ chồng chị. Anh Trần Văn Giáo, chồng chị Hà luôn tôn trọng ý kiến của vợ và các con. Do quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới, dù là con trai trưởng trong gia đình, sinh hai cô con gái, nhưng anh là một trong những người đầu tiên của thôn ký cam kết không sinh con thứ ba. Anh Giáo tâm sự: “Khi làm rẫy, trồng rừng mình là đàn ông, sức mạnh hơn thì làm phần nhiều, ngược lại khi làm việc nhà, vợ khéo léo hơn thì làm phần nhiều, nhưng hai vợ chồng đều tham gia thì sẽ vui hơn và hiệu quả công việc cũng cao hơn”. Là thành viên của CLB bình đẳng giới, vợ chồng chị Hà cùng với các thành viên trong CLB vận động người dân trong xã thực hiện tốt bình đẳng giới, không phân biệt đối xử nam, nữ. Chị Hồ Thị Qủa, Chủ tịch Hội LH Phụ nữ xã cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có trên 95% phụ nữ là chủ tài khoản, tay hòm chìa khóa trong gia đình.

Tham dự buổi họp xóm triển khai công tác xây dựng nông thôn mới của thôn Phú Ninh, xã Hương Giang, chúng tôi thấy đa phần phụ nữ tham gia. Đem sự ngạc nhiên hỏi người đàn ông ngồi bên cạnh thì nhận được câu trả lời: “Thời đại này vợ chồng bình đẳng như nhau, ai đi họp chẳng được miễn là tiếp thu đúng chủ trương, đường lối để làm cho tốt thôi”. Điều này cho thấy, nhận thức của nam giới về bình đẳng giới ở miền cao này đang ngày càng tiến bộ. Hình ảnh những người chồng, người cha đi chợ, đưa đón con đi học, cùng vợ làm việc nhà đã trở nên quen thuộc ở hầu hết các xã của huyện miền núi Nam Đông.

Nhờ có được nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, nên tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn huyện Nam Đông đã giảm rõ rệt, riêng ở xã Hương Giang 3 năm trở lại đây không có tình trạng sinh con thứ ba, toàn bộ 6 thôn của xã đều ký cam kết không sinh con thứ ba trong thời gian 5 năm.

Việc thực hiện bình đẳng giới ở Nam Đông còn được ghi nhận ở công tác cán bộ và phát triển đảng viên nữ, số lượng chị em tham gia công tác quản lý ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2011 – 2015, Nam Đông có 2/13 UVTV Huyện ủy, 5/41 huyện ủy viên và 15-17% cấp ủy xã là nữ giới.

Nỗ lực của các cấp hội

Để mỗi người dân nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, thời gian qua Hội LHPN huyện Nam Đông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện, các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thi, hội thảo nhằm tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên, cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân hiểu biết về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Ở nhiều xã, sau khi được quán triệt, tập huấn, Hội LHPN đã tổ chức những đội tuyên truyền về bình đẳng giới đến tận các thôn, bản dân cư với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, như các tiểu phẩm hài, kịch... nên người dân dễ tiếp thu và đón nhận. Ngoài ra, hội đã thành lập được 11 CLB về Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thu hút nhiều nhiều cặp vợ chồng tham gia, hướng ứng tích cực.

Để người phụ nữ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, không phụ thuộc chồng, hàng năm hội đứng ra tín chấp cho phụ nữ vay vốn để chăn nuôi, sản xuất, phát triển ngành nghề… Hiện có trên 2.000 phụ nữ trong huyện vay vốn trên 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó hội còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như sắn, chuối.....; hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò, lợn, dê... để người phụ nữ có thể làm chủ về kinh tế, có khả năng quản lý tiền bạc cũng như chi tiêu trong gia đình, nâng cao vị thế của chị em trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tăng cường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, chủ động phối hợp với các ban ngành và cơ sở tổ chức nhiều hoạt động, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, vị trí của chị em phụ nữ của huyện trên tất cả các lĩnh vực.

Tuấn Khoa