Trời nóng đã làm gia tăng số vụ cháy rừng ở California (Mỹ), Bồ Đào Nha và Chile trong năm 2017 - Ảnh: GETTY IMAGES

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cho biết năm 2017 là năm nóng thứ hai kể từ thế kỷ 19. Theo đó, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong năm này tăng khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm nóng nhất vẫn là 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, việc ghi nhận xu hướng nhiệt độ dài hạn quan trọng hơn là từng năm riêng rẽ, và việc nhiệt độ dài hạn cứ tăng lên là điều đáng lo ngại. 

"Trong 18 năm nóng nhất được ghi nhận thì có đến 17 năm thuộc thế kỷ này, và việc nhiệt độ tăng cao trong suốt ba năm qua là điều bất thường.

Tình trạng ấm lên ở Bắc Cực đặc biệt rõ ràng và điều này sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài đối với mực nước biển và thời tiết ở các vùng khác trên thế giới", ông nói, Sky News trích dẫn. 

Dữ liệu đo được cho thấy 2017 là năm nóng thứ hai từng được ghi nhận - Ảnh: NASA

Trong khi đó Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng có báo cáo xác nhận 2017 là năm nóng thứ hai từng được ghi nhận. 

Điều đáng nói là không giống như năm 2016, năm 2017 không phải là năm của El Nino, do đó việc nhiệt độ năm này tăng cao là điều rất đáng lưu ý.

Theo các nhà khoa học, nếu tốc độ ấm lên hiện nay được duy trì, nhiệt độ Trái đất có thể vượt qua mức tăng 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp vào năm 2060 hoặc 2070.

Theo Tuổi trẻ