Tại Thừa Thiên Huế, sau 3 năm triển khai đề án, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 13 nghìn lao động, trong đó 74% lao động học các nghề phi nông nghiệp, với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ năm 2013- 2020, tỉnh tiếp tục đào tạo nghề cho khoảng 9,5 nghìn lao động, với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Chương trình này góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả thiết thực cần quan tâm một số vấn đề.
 
Trước hết, với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vấn đề xác định nghề để đào tạo cần phải tính toán kỹ. Bởi, mục đích của đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là giúp lực lượng lao động trẻ tìm việc làm, mà còn giúp người lao động am hiểu, nắm bắt được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chính công việc trồng trọt, chăn nuôi hằng ngày đạt hiệu quả cao. Theo dõi chương trình đào tạo nghề của Hội Nông dân tỉnh gần đây tôi thấy, đơn vị đã bám sát mục tiêu trên để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Đó là, chú trọng mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn thiết thực với nông dân như: Kỹ thuật chăm sóc cây và tạo dựng cây cảnh; kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật trồng nấm...
 
Thứ hai, khi tham gia đào tạo nghề, người lao động luôn trăn trở học nghề gì để phù hợp với khả năng và tìm được việc làm sau khi học nghề? Do vậy, việc dạy nghề phải gắn với yêu cầu sử dụng của xã hội. Thực tế, một số lớp dạy nghề cho lao động ở nông thôn của các dự án không phát huy hiệu quả, bởi học được nghề nhưng người lao động không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Một cách làm hay, cần được nhân rộng của Trung tâm Khuyến công tỉnh là, liên kết với các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề may, đan sợi nhựa bàn ghế xuất khẩu cho lao động nông thôn. Người học việc sẽ được học thực hành theo yêu cầu sử dụng và sự hướng dẫn của các doanh nghiệp. Sau khi học xong, người lao động sẽ được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Sự liên kết này mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Người lao động có việc làm, doanh nghiệp không tốn kinh phí để đào tạo lại.
 
Thứ ba, cần làm tốt công tác tuyên truyền, dự báo nhu cầu lao động xã hội, định hướng thông tin để người lao động có sự lựa chọn nghề phù hợp. Đồng thời, cần lồng ghép các nguồn lực, các dự án và huy động các nguồn xã hội để từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách, mục tiêu của đề án quốc gia.                                                                             
Hoàng Giang