Tôi bước vào không gian của ông. Không gian chài lưới, với những mảnh vụn của vỏ ốc, vỏ hến mà ông cào được dưới lòng sông rồi mang về làm bạn. Hàng ngày ông trò chuyện với những vật vô tri vô giác ấy, và gọi chúng bằng những cái tên mà thảng nghe đã giật mình vì chúng rặt Huế. Ví như con ốc là o Bê, con trai con hến là mệ Ty mệ Rớt...

Ông - người đã từng vào sinh ra tử trong chiến trận, đã bỏ ngang đam mê kiến trúc vì không đủ điều kiện học hành, không gia đình vợ con, tự nhận mình chỉ có một món nợ duy nhất, đó chính là dòng sông Hương này.

Đã bao lần đi qua khúc sông này nhưng hôm nay tôi mới có may mắn được nhìn thấy ông. Tháng Chạp ngày tối sớm, những mắt lưới nằm im lặng dưới mui thuyền như lời tự sự của người ngư phủ. Sau khi đốt xong điếu thuốc, ông quăng những đường lưới mạnh mẽ và dứt khoát xuống dòng sông, miệng lẩm nhẩm mấy chữ "Lạy trời lạy Phật". Đã từng theo mấy chiếc thuyền đánh cá trên sông nhưng tôi chưa thấy ai nói như ông lúc quăng lưới. Đánh liều dò hỏi, ông nói giọng thật thà, đánh cá dù sao cũng là sát sinh, tôi nói vậy để mong trời xanh và đức Phật rộng lòng cứu rỗi.

Từ con nước sông Hương, mùa bình thường, mỗi khi được xâu cá ngon, ông lại mang lên chợ tạm nhờ mấy o mấy mệ bán giùm để lấy tiền mua gạo. Mùa bão lũ, con sông quá sức thu vén dung lượng chứa nước, chiếc thuyền phải cột tạm vào gốc cây để chờ ngày nước rút. Nhưng mà, dẫu có lam lũ như thế, tôi chưa hề thấy ông buông tiếng thở dài hay nói lời bi quan. Đôi mắt sáng rực, nụ cười giòn giã, luôn xởi lởi với mọi người bất kể lạ lẫm hay thân quen. Ông cho tôi hình dung về một người ngư phủ sống đời tự do với thú tiêu dao sông nước.

Gió về nhiều, những cánh hoa cam cúc đến ngày tàn rụng cánh lả tả trong khoang thuyền. Hoa đó, ông hái trên rìa bãi sông Hương mang về thắp hương ngày đầu tháng Chạp. Có tiếng hát của chính ông ngân nga trong tưởng nhớ dâng đến ngập lòng, là giai điệu của bài hát Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương. Đôi mắt mơ màng trong tiếng gõ thuyền mái đẩy, ông hát, như lời tâm sự với dòng sông đã gắn bó với mình quá nửa đời người. Bởi tính ra, người đàn ông ấy đã theo nghề chài lưới trên dòng sông này ngót 40 năm. Khoảng thời gian ấy chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử nhưng lại là cả một giai đoạn dài dằng dặc của kiếp người. Tại đấy, ông trở về là mình trong tĩnh lặng và thiếu thốn, nhưng bình an. Nhìn khuôn mặt đen sạm và gia tài bé mọn của ông, tôi trộm nghĩ về những phận người bên dòng sông Hương, dẫu sông sâu hay sông cạn vẫn quyết dong thuyền không rời bến.

Tôi hỏi, mỗi khi muốn tìm ông thì cứ về khúc sông này phải không. Ông vừa gỡ lưới vừa lắc đầu, mỗi ngày tôi ở một đoạn, không cố định nơi nào cả. Sông Hương với ông là nhà, trên cạn qua bao mùa màng trồng cấy thì dưới nước cũng bấy nhiêu mùa chài lưới. Thấy tôi giơ máy chụp con sông lúc cuối chiều, ông chậm rãi: "Với tôi, sông Hương không đơn thuần là một dòng sông mà là một người mẹ. Những đứa con của đất Huế đều được sinh ra từ nước ối của dòng sông Mẹ ấy".

Thú thực khi ấy tôi chỉ muốn nói với ông rằng, nếu đã coi sông Hương là mẹ thì sá chi chuyện nợ nần bởi người mẹ nào cũng muốn tận hiến cho con, nhưng chẳng thể cất lời...

Nguyên Hương