Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã đưa vào canh tác khoảng 8.000/26.000ha lúa theo kế hoạch, dự kiến việc gieo sạ sẽ kết thúc trước Tết Nguyên đán.
Cùng chung với thị trường cả nước, giá phân bón đang tăng so với các năm trước
Tăng 20-30%
Vụ đông xuân này, ông Nguyễn Thành (thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, TX Hương Trà) đưa vào sản xuất gần 5 sào ruộng, ngoài chuẩn bị về giống, phân chuồng, ông phải đầu tư cho phân bón hóa học để phục vụ sản xuất.
Theo nhiều nông dân, bón phân là khâu quyết định đối với năng suất và sản lượng cây trồng. Giống mới cũng chỉ phát huy được tiềm năng của mình, cho năng suất cao khi được bón đủ phân và hợp lý. Từ quá trình xuống giống đến khi thu hoạch, phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất.
“Không bón phân hoá học thì năng suất lúa chắc chắn sẽ không cao. Do vậy, dù giá có tăng thì nông dân cũng phải cắn răng mua. Nếu khi thu hoạch giá lúa đạt khoảng 700-800 nghìn đồng/tạ thì nông dân mới có lãi”, ông Thành nói.
Theo tìm hiểu, đầu tháng 12 năm ngoái đến nay giá phân bón trong nước tăng khoảng 20%. Tại thị trường Thừa Thiên Huế, mức giá có phần ổn định đối với các loại phân bón được sản xuất ngay trong tỉnh. Đối với các loại phân khác cũng tăng theo thị trường chung của cả nước.
Đầu mùa vụ đông xuân năm nay, cửa hàng phân bón Cương Tuyết (11 Lý Thái Tổ, TP. Huế) nhập khoảng 200 tấn phân bón các loại để cung ứng cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo chủ cửa hàng này, giá phân hiện ở mức từ 360-450 nghìn đồng/bao (tùy loại).
“Hiện trên địa bàn có nhiều đại lý cung ứng phân nên để cạnh tranh, giá phân bón lúc tăng lúc giảm. Bây giờ đang vào vụ nên sức mua tăng. Trong các loại phân, phân Urê Phú Mỹ đang tăng giá, giá hiện tại là 370 nghìn đồng/bao”, bà Tuyết, chủ cửa hàng phân bón Cương Tuyết cho hay.
Ông Trần Thuyên, Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh cho biết: “So với các năm trước, giá phân bón vụ đông xuân này tăng khoảng 20-30%. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến người nông dân. Nguyên nhân giá phân tăng là do nhu cầu sử dụng phân bón vào sản xuất nông nghiệp hiện nay tương đối lớn, trong khi đó, sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu vào Việt Nam thì mức giá tăng đến 2.000 đồng/kg. Tại đơn vị chúng tôi, phân NPK có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất ngay tại chỗ nên mức giá ổn định, không biến động. Còn các loại phân khác nhập về cũng sẽ tăng theo thị trường của cả nước”.
Nông dân huyện Phú Lộc cải tạo đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân
Ít xuất hiện phân bón giả
Theo ông Lê Quý Thảo, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tại Thừa Thiên Huế có 3 đơn vị cung ứng phân bón lớn là Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH MTV Quế Lâm và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Việc thống kê số lượng các đơn vị cung ứng phân bón trên địa bàn tỉnh là không dễ bởi ngoài 3 đơn vị lớn còn có nhiều đại lý ủy quyền cấp 1. Ngoài ra, các hợp tác xã thông qua các đại lý để mua phân bón cung cấp cho nông dân.
Về việc quản lý chất lượng, ông Lê Quý Thảo thông tin, dù nhu cầu phân bón hiện nay là khá lớn nhưng tại tỉnh Thừa Thiên Huế ít xuất hiện phân bón giả. Việc phát hiện phân bón giả phải trải qua khá nhiều quy trình, từ việc kiểm tra nhãn mác, bao bì, ngày sản xuất, nơi sản xuất đến việc lấy mẫu để kiểm tra chất lượng.
Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp đối với các cửa hàng, đại lý cung ứng trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ guồn gốc xuất xứ.
Bài, ảnh: Lê Thọ - Diệu Linh