BOT là hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao trong nền kinh tế. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ bằng hình thức này được cho là một chủ trương đúng đắn. Theo đó, đã có hàng ngàn km đường quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến tránh, đường hầm được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày một phát triển. Đường sá thông thoáng, êm thuận đã hạn chế đáng kể tai nạn giao thông, rút ngắn hành trình, ít giằn xóc, góp phần kéo dài tuổi thọ của phương tiện…

Lợi ích ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, do một số tồn tại về vị trí đặt trạm, giá cước thiếu hợp lý đã gây ra xự phản ứng gay gắt của không ít lái xe, người dân sống gần trạm thu phí. Các hình thức phản đối chủ yếu là trả tiền mệnh giá thấp, dừng, quay ngang xe gây ách tắc giao thông. Điều không loại trừ, có kẻ xấu lợi dụng, kích động, phá hoại ảnh hưởng đến lợi ích chung. Nổi cộm nhất là trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Thủ tướng Chính phủ phải chi đạo dừng thu phí để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Khi tình hình phức tạp tại trạm Cai Lậy vừa được lắng xuống thì xảy ra điểm nóng tại trạm BOT Sóc Trăng và thỉnh thoảng còn xảy ra ở nhiều trạm khác. Với cái đà này thì liệu nhà đầu tư nào còn dám đầu tư BOT; trong khi hiện cả nước còn khoảng 8.000 km quốc lộ đã hết hạn sử dụng, rất cần được đầu tư, nâng cấp?

Công điện đã yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan; có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung các giải pháp giải quyết các bất cập đang diễn ra tại các dự án BOT giao thông; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật… nhằm sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT trên toàn quốc.

Trước những bất cập tại một số trạm BOT, thời gian gần đây, Bộ GTVT, nhà đầu tư đã đưa ra một số giải pháp như giảm giá cước qua trạm, miễn giảm giá cước đối với các chủ phương tiện ở gần trạm; mới đây nhất là việc giảm giá cước tại trạm BOT Quảng Trị và đang nghiên cứu để tiếp tục giảm ở một số trạm khác. Về lâu dài, cần tính toán bố trí lại vị trí đặt trạm BOT một cách hợp lý; đồng thời, đảm bảo công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống cầu đường một cách thường xuyên, tránh xuống cấp tại các dự án BOT, đáp ứng nhu cầu lưu thông và tạo sự hài lòng trong người dân.

Đặng Thành