Rớ cá bỏ không do kênh Phát Lát ô nhiễm

Mục sở thị con kênh Phát Lát nối từ sông An Cựu đến sông Như Ý đi qua hai phường An Đông và Xuân Phú, nhận thấy nguồn nước nơi đây gần như hoàn toàn “đứng yên”. Nước có màu xanh đậm, nhiều đoạn có màu đen kèm theo mùi hôi khó chịu. Hai bên bờ và cả trên dòng kênh xuất hiện một lượng rác thải sinh hoạt khá lớn khiến dòng kênh này càng ô nhiễm.

Mùi hôi nồng nặc

Bà Võ Thị Hương (80 tuổi) ở tổ 14, khu vực 3, phường Xuân Phú nói: “Tui không biết con kênh này có từ bao giờ, chỉ nhớ khi sinh ra và lớn lên đã có kênh này rồi. Dòng kênh trước đây được đào đắp bằng đất, hai bên bờ trồng rất nhiều tre và nhiều loài cá sinh sôi, trong đó nhiều nhất là cá phát lát”.

Kênh Phát Lát có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và kinh tế của nhiều hộ dân sống ven bờ kênh của hai phường An Đông và Xuân Phú. Dọc tuyến kênh được xây dựng nhiều bến nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Nguồn lợi thủy sản trên dòng kênh rất dồi dào, nhiều hộ dựa vào đánh bắt để mưu sinh, cải thiện cuộc sống.

Trước đây, mỗi ngày người dân có thể đánh bắt 5-7 kg cá các loại, thu nhập vài trăm ngàn đồng. Từ khi nguồn nước bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm thì nguồn lợi thủy sản trên dòng kênh Phát Lát ngày càng giảm dần. Chừng vài tháng trở lại đây, nguồn nước ô nhiễm nặng, thủy sản trên dòng kênh trở nên khan hiếm, thậm chí có thời điểm không còn.

“Vì nguồn nước ô nhiễm nên cá, tôm không sống được. Nguồn thu từ đánh bắt cá của người dân ít dần. Một số hộ vẫn còn giữ nguyên rớ trên kênh, thỉnh thoảng ra đánh bắt nhưng chẳng có con cá nào”, ông Lê Viết Biên ở phường An Đông tiếc nuối.

Chị Trần Thị Na ở phường An Đông chia sẻ: “Ngày trước mỗi lần khách đến nhà chơi đều tham quan và tấm tắc khen dòng kênh rất đẹp, nguồn nước trong lành. Bây giờ ai đến cũng tỏ ra khó chịu trước mùi hôi thối bốc lên từ nguồn nước, rác thải sinh hoạt bừa bãi trên khắp dòng kênh. Đến bữa ăn, gặp gió lớn phải đóng cửa tránh mùi hôi bốc vào nhà”.

Chờ kết quả kiểm nghiệm

Kênh Phát Lát kéo dài từ sông An Cựu đến sông Như Ý đi qua hai phường An Đông và Xuân Phú được xây dựng kiên cố từ năm 2009-2010; có vai trò quan trọng trong việc thoát lũ, cải tạo môi trường trên địa bàn hai phường An Đông, Xuân Phú nói riêng và TP. Huế nói chung. Kênh Phát Lát còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân sống ven bờ kênh nhờ nguồn lợi thủy sản khá dồi dào.

Ông Nguyễn Đình Nghị, Chủ tịch UBND phường An Đông thông tin, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương có chủ trương, quy định ra quân xử lý môi trường, thu gom rác thải, phát quang cỏ dại trên tuyến kênh, mỗi năm 4-5 đợt. Cán bộ tuyên truyền, vận động người dân không xả rác thải sinh hoạt bừa bãi trên kênh, bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, tình trạng ô nhiễm bắt đầu tăng dần, nguồn nước chuyển sang màu xanh. Lượng rác thải, mùi hôi từ kênh ngày càng nhiều. Trước đây, mỗi tháng vài đợt bốc mùi hôi khó chịu, trong vòng hai tháng trở lại đây hầu như ngày nào, giờ nào cũng có mùi hôi.

Theo ông Nghị, bước đầu được xác định có thể do dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đang thi công, ngăn dòng chảy từ sông Như Ý- đoạn qua cầu Phát Lát 2, đồng thời từ nguồn nước sinh hoạt, nghề làm bún của người dân thải ra khiến dòng kênh bị ô nhiễm. UBND phường An Đông đã báo cáo tình trạng ô nhiễm lên UBND TP. Huế và Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế để lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân cụ thể. Địa phương đang chờ kết quả từ cấp trên, cơ quan chức năng.

Trước mắt, các địa phương trực tiếp ảnh hưởng từ dòng kênh Phát Lát tổ chức tuyên truyền, vận động người dân các tổ dân phố ra quân khơi thông dòng chảy, xử lý thu gom rác sinh hoạt, không thải rác bừa bãi xuống kênh.

Theo kiến nghị của hai phường An Đông và Xuân Phú, các cơ quan chức năng cần sớm công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước, nguyên nhân cụ thể gây ô nhiễm, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời để trả lại sự trong lành cho dòng kênh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều