Save the Children khẳng định rằng những trẻ vị thành niên ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá này là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tình trạng mà họ gọi là "đợt bùng phát bệnh bạch hầu tồi tệ nhất đối với một thế hệ".
Một bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe của một bé trai nhiễm bạch hầu tại thành phố nghèo Aden, nam Yemen. Ảnh: Fawaz Salman/Reuters
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường hô hấp của cơ thể. Mặc dù có thể được ngăn ngừa bằng vaccine, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, suy tim và tử vong.
Save the Children cho biết từ tháng 8/2017 đến nay họ đã ghi nhận ít nhất 52 ca tử vong vì bệnh này, đa số là trẻ em dưới 15 tuổi. Ngoài ra, còn có khoảng 716 người khác bị nhiễm bệnh trong cùng khoảng thời gian này.
"Điều kiện y tế và hỗ trợ hiện nay rất khó khăn, đến nỗi các gia đình phải mang con cái của họ đi hàng trăm dặm để đến được với chúng tôi", Mariam Aldogani, điều phối viên y tế của tổ chức này tại thành phố cảng Hudaida, cho biết.
"Nhưng họ đến quá muộn và còn lây nhiễm cho mọi người trên đường đi."
Tổ chức này cũng cho biết vụ bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với các tỉnh phía tây của Ibb và Hudaida.
Ngoài tình trạng thiếu lương thực và thiếu nhiên liệu trầm trọng, người dân của Yemen đang phải đối mặt với đợt dịch tả đang lan rộng, được mô tả là căn bệnh tồi tệ nhất thế giới, bùng phát do dịch tiêu chảy cấp.
Liên Hiệp Quốc đã cho rằng sự lây lan của bệnh tật là “do con người tạo ra", đề cập đến cuộc chiến tranh giữa quân nổi dậy Houthi và quân liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.
Thế Vĩnh (Lược dịch từ Aljazeera)