Đã từ lâu, sau khi trồng cây, hố trồng thường bị thả trôi nổi ở những vỉa hè chưa bê tông hóa hay lát gạch. Với những vỉa hè được thi công ốp lát hay bê tông hóa sau khi có cây xanh thì hình như việc xử lý mặt hố trồng khá tùy tiện, có nơi mặt hố bị bê tông hóa tối đa, có nơi miệng hố được bó vỉa với khoảng không gian, kiểu dáng đa dạng khiến người quan tâm khảo sát cứ đinh ninh rằng mọi chuyện đều do tính tự phát của đội thi công. Ở nhiều vỉa hè, việc bó vỉa mặt hố lại do người dân thực hiện một cách tự phát, tùy hứng, thoạt nhìn có vẻ như cộng đồng đang hưởng ứng tích cực phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm”, nhưng đi sâu vào bản chất mới thấy tính vị kỷ được thể hiện ngày càng rõ nét, nhưng cơ quan quản lý gần như chẳng có ý kiến gì.

Đa dạng hố trồng cây xanh

Qua khảo sát một số đường phố ở thành phố Huế, chúng tôi thấy kiểu xử lý mặt hố trồng cây xanh trên vỉa hè đường phố rất đa dạng. Về kiểu dáng bó vỉa mép hố, có nơi mép hình vuông, có nơi hình tròn... Về độ cao mép hố, có nơi ngang mặt vỉa hè, có nơi cao 5-7 phân cho đến vài tấc, thậm chí có nơi cao 40-50 phân...; vật liệu bó vỉa mép hố cũng đủ loại, nào là gạch đặc, gạch lỗ, nào là bờ-lô... 

Điều cần bàn nữa là mặt hố trồng cây. Do không triển khai một giải pháp kỹ thuật thích hợp nhằm quản lý tốt mặt hố nên dần dần mặt hố đã biến tướng đủ chiều. Có nơi, mặt hố um tùm cỏ dại, có nơi ngổn ngang chất thải sinh hoạt đủ loại, có nơi biến thành chậu trồng rau xanh, hoa cảnh của người dân... Hiện trạng này khiến cho vỉa hè đô thị Huế ngày càng trở nên bát nháo, chẳng còn gì là sạch, đẹp, thậm chí còn bộc lộ tính cách thiếu văn minh mà lẽ ra không nên có trong nếp sống mới của một đô thị lớn, đang chuyển mình để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nay mai.

Gần đây, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã chọn cây cúc bò để trồng vào miệng hố, tạo màu xanh làm đẹp gốc cây, làm cho vỉa hè mang một sắc thái mới, mặc dù việc làm này cũng chỉ mở ra với một số ít đường phố. Tôi cho rằng, đây là một sáng kiến hay. Tuy nhiên, một bài toán nảy sinh là quản lý thế nào? Bởi rằng: Thứ nhất, thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa, loại trừ cỏ dại mọc xen để tránh tình trạng cây cúc bò lan chiếm lĩnh dần vỉa hè, cỏ dại ngày càng phát triển gây hoang phế hóa,... làm mất vẻ mỹ quan là việc làm đòi hỏi cơ quan quản lý đô thị phải tăng cường đội ngũ, e không dễ gì. Thứ hai, cây cúc bò là loài ngoại lai xâm hại, nếu buông lỏng quản lý thì việc phát tán, nhân rộng quần thể, mở rộng cư trường, lấn át cây thân thảo bản địa và cây trồng nông nghiệp, gây suy thoái đa dạng sinh học là chuyện khó lường.

Theo tôi biết, ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã chọn giải pháp thiết kế những tấm đậy có khe hay lỗ thoáng khí và thấm nước cho tất cả hố trồng cây trên vỉa hè. Làm thế này sẽ tạo được sự đồng đều đẹp mắt, loại trừ các tác động tiêu cực vào hố cây, tăng diện tích mặt vỉa hè khiến lòng vỉa hè thông thoáng hơn, không gian đi lại cũng lớn hơn, trong lúc gốc và rễ cây trồng vẫn thông thoáng, trao đổi khí và nước với môi trường bên trên một cách dễ dàng. Điều còn lại là chọn loại chất liệu cho tấm đậy này thế nào để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và ý thức cộng đồng của chúng ta mà thôi. Trong thực tế, nhiều nơi đã chọn tấm kim loại, có nơi chọn tấm composite và cũng có nơi chọn tấm bê-tông có đục lỗ. Theo tôi, giải pháp tấm bê-tông xuyên nước của anh Nguyễn Biên Cương, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là thiết thực và khả thi nhất, hy vọng cơ quan hữu trách tham khảo.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm