“Thiếu nữ bên ghế tràng kỷ” tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn

Tôn Thất Văn tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 (1957-1961) Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông được giữ lại trường dạy về lụa và truyền thụ cảm xúc sáng tạo đến với nhiều thế hệ sinh viên. Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Văn chơi trong nhóm bạn với Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trịnh Cung, Bửu Ý...

Trong những tình cờ tôi có cơ duyên nhìn thấy tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn tại một vài gia đình, trên nền tường cũ chủ nhân vẫn treo trang trọng một vài bức tranh của ông. Hầu hết là loạt tranh ở các tư gia xứ Huế ông đều vẽ từ trước 1975. Chất liệu chính là lụa, một vài bức bị xuống màu, hỏng nhẹ do ẩm mốc và thời gian. Trong ngôi nhà nhỏ ở Kim Long, tình cờ thấy bức tranh vẽ thiếu nữ mà phần chữ ký đã bị nhòa, tôi xin gia chủ cho chụp lại và đoán của tác giả Tôn Thất Văn, bức này chỉ còn chữ ký Văn, cạnh chữ ký có năm vẽ 73. Thấy chất liệu bức tranh bị hỏng nhiều, người bạn tôi đã có ý mua lại để phục chế, nhưng gia chủ trả lời rất cảm động: “Đây là kỷ niệm của ba mẹ tôi”. Tôi và người bạn đi cùng rất xúc động khi nghe như vậy nên đã để bức tranh yên vị chốn cũ với vệt rêu thời gian. Nhưng chỉ sợ rằng, thời gian sẽ xóa nhòa đi dấu ấn kỷ niệm thật đẹp mà người họa sĩ đã gieo trồng trong đời sống của gia đình đó.

Bức tranh vẽ chung của Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Tôn Thất Văn

Cũng do nhân duyên, tôi lại được nhìn thấy thêm bức tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn vẽ thiếu nữ gối đầu trên cánh tay, trong tư thế nghiêng người trên chiếc ghế cổ, bức tranh được treo trang trọng trong nhà một người thân quen rất yêu hội họa. Tác phẩm này được vẽ bằng sơn dầu với gam màu nâu, ánh lên những đốm vàng lung linh, tác giả đã thể hiện những hoa văn xưa ẩn hiện một cách tinh tế, cùng độ loang của màu gợi lên một nỗi nhớ xa xăm. Bức này cũng là một kỷ niệm của gia đình danh giá thuở đó với họa sĩ Tôn Thất Văn từ đầu thập niên 1970 và được giữ gìn cẩn thận đến tận bây giờ.

“Thiếu nữ” tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn

Hầu hết thiếu nữ xuất hiện trong tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn, với dáng vẻ kiêu sa trong chiếc áo dài, có đôi mắt mộng mơ của tuổi biết buồn và chờ đợi. Năm 1981, bức tranh “Dưới chân Chúa” do họa sĩ Tôn Thất Văn vẽ tặng một vị linh mục, với gương mặt Thánh nữ Madalena đứng dưới chân chúa Giê su. Người nữ tóc thả dài, hai bàn tay mềm mại nâng búp sen hồng, phía sau là phần chân của tượng chúa Giê su bị đóng đinh và phía dưới là cả vườn sen ánh lên màu rực rỡ. Sự thanh thoát được thể hiện một cách tài tình trên gương mặt thánh nữ trong tác phẩm của ông, với sắc màu sang quý.

“Dưới chân Chúa” tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn

Ngoài vẽ tranh lụa, sơn dầu, họa sĩ Tôn Thất Văn còn trình bày tem. Con tem do họa sĩ thiết kế được biết đến có tên “Tem phát triển giao thông - cầu sông Hương” ghi giá 25 đồng. Gần đây, nhà báo Kinh Thi đã cho công bố bức tranh vẽ chung của ba tên tuổi: Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung và Tôn Thất Văn. Theo nhà báo Kinh Thi, vào năm 1992, khi đang còn là sinh viên anh đã may mắn chứng kiến cuộc gặp gỡ của Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung và Tôn Thất Văn tại ngôi nhà xưa có nhiều dấu ấn kỷ niệm. Chính hôm đó, tác phẩm của ba vị nghệ sĩ tài danh đã ra đời trong không gian nhỏ (một thời từng mở cà phê, có tên là Quán Bạn) và được lưu giữ đến tận bây giờ. Đó là một tác phẩm đặc biệt trong gam vàng trắng theo phong cách ấn tượng, với những gương mặt ẩn hiện mơ hồ, cùng hoa và rượu và sự sinh động toát ra như một niềm hứng khởi hội tụ của những bậc thầy hội họa xứ Huế. Thử để bức tranh của ba nghệ sĩ vẽ chung bên cạnh bức tranh Trịnh Công Sơn vẽ Bửu Chỉ từ Paris về năm 1983, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi phong cách thể hiện và tông màu khá trùng hợp, cùng với những điểm xuyết màu lục non tương đồng trên cả hai bức. Điều đó có thể đưa đến nhận định, Trịnh Công Sơn là người thể hiện nhiều nhất trong bức tranh vẽ chung.

Theo nhà thơ Phạm Trần Nguyên, vào thập niên 1960 ở Huế có quán cà phê mang tên Quán Bạn. Quán Bạn nằm trên đường Phan Chu Trinh bên dòng sông An Cựu, và vào những năm 1960, đây cũng là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ như: Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Hữu Ngô... Nghĩ cũng kỳ lạ, ngoài những ngôi nhà sang trọng, thì trong những ngôi nhà ba gian tận nơi những con hẻm của xứ Huế, chủ nhân và hậu duệ của họ đã rất trân quý những kỷ vật của gia đình, trong đó có những bức tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn.

Bài, ảnh: HOÀNG DIỆP LẠC