Họ cho rằng trang phục của ca nương bị lai tạp, làn điệu hầu văn đưa vào các chương trình như vậy là lạc điệu, không phù hợp, thậm chí là làm hạ thấp giá trị ca Huế- loại nghệ thuật trang nhã cao cấp, bác học của giới tài tử giai nhân một thuở...

Khi ý kiến này được nêu lên, cũng đã có ý kiến phản biện cho rằng, như vậy liệu có "cứng nhắc, nghiệt ngã" quá không? Âm nhạc, nghệ thuật gắn với đời sống, phát triển theo đời sống. Hầu văn cũng vậy, trước đây nó thuộc loại "lễ nhạc", chuyên diễn xướng trong các nghi lễ hầu đồng, lời nhạc tụng ca "cô, cậu"...thì đúng chỉ phù hợp trong không gian diễn xướng của nó là các am, phủ, miếu điện. Nay, lời nhạc đã được nhiều người soạn lại, vui tươi, tụng ca vẻ đẹp quê hương đất nước, con người Việt Nam...Vậy thì mang ra biểu diễn trong các chương trình ca Huế, các buổi yến tiệc thì có gì sai? Ngược lại còn được nhiều du khách, công chúng tán thưởng, chấp nhận.

Mang ý kiến trên trao đổi với một số nhà nghiên cứu thân quen, họ bảo, đúng là "không ai cấm". Nếu khán giả thích thì vẫn phục vụ được. Nhưng khi anh đã bảo là nghệ thuật truyền thống, là yến tiệc cung đình với góc độ là một di sản thì điều trước tiên anh phải làm là bảo đảm tính nguyên bản của nó. Một chương trình ca Huế gốc thì không thể có hầu văn; một tiệc yến cung đình thì càng không bao giờ được mang cái điệu nhạc "nhún nhảy, huơ chân múa tay" như vậy đến diễn trước mặt vua và quốc khách. Không một tài liệu nào ghi lại những việc như thế cả!

Tương tự, trong lĩnh vực ẩm thực thấy "loạn" thương hiệu cung đình. Cơm cung đình, trà cung đình, rượu cung đình, bánh cung đình... Nhưng có đúng gốc cung đình nó là vậy không? Có nhiều món ăn, có nhiều thức uống dán thương hiệu cung đình nhưng thực chất lại đang rẻ rúng ngay chính cái danh xưng cao quý, sang trọng ấy. Ẩm thực cũng như nghệ thuật, hãy chọn một cái tên khác phù hợp hơn, rồi trong đó người kinh doanh muốn tung tăng sáng tạo, muốn cách tân cách cựu gì tùy thích. Riêng những gì thuộc phạm trù di sản truyền thống thì phải có cơ chế bảo vệ, giữ gìn và trân trọng nó như đúng tinh thần Luật Di sản. Bằng nếu cứ "thả tự do" thì vô hình chung ta sẽ làm "hỏng", đồng thời sẽ khiến cho du khách và công chúng có một sự "lầm tưởng" tai hại về di sản của Huế, của tiền nhân.

HIỀN AN