Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thu (ngồi giữa, hàng trước ) tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu cho biết: Để đánh được vào Huế, công tác chuẩn bị phải là ưu tiên số một. Huế là một trong những đô thị được Mỹ ngụy xây dựng hệ thống bảo vệ rất chặt chẽ, gồm lực lượng tại chỗ, lực lượng bảo an, lực lượng cơ động và đặc biệt là mật vụ chỉ điểm.
Theo chỉ thị của Quân khu Trị Thiên, phải dựa vào lực lượng tại chỗ để làm tốt công tác chuẩn bị, quá trình kéo dài gần 1 năm trời nhưng cao điểm nhất là những tháng gần tết. Công tác chuẩn bị phải dựa vào dân, nhờ dân giúp đỡ; chuẩn bị cả bên trong lẫn bên ngoài và tuyệt đối giữ bí mật. Việc nghiên cứu chiến trường được triển khai cụ thể, như đi đường nào, vào khu vực nào, ém quân chỗ nào, đưa quân tập kết ở đâu. Nhất là việc dự kiến các trục hành quân rất chu đáo, nếu lộ ra thì không thể tiếp cận được. Nhờ đó, tại vòng ngoài ở phía đông lẫn phía tây, thời điểm ngày 30 Tết, chúng tôi đã tiếp cận được thành phố.
Về bên trong, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và ban cán sự thành phố, công tác chuẩn bị diễn ra với quy mô lớn, số lượng cơ sở mật tăng lên gấp 3 lần. Chúng tôi đã đưa 12 đặc công vào để phụ trách các tổ biệt động tại chỗ.
Công tác vận chuyển vũ khí, đạn cũng được người dân giúp sức bằng nhiều hình thức như đóng thuyền 2 đáy đưa vào chân cầu Đông Ba, rồi từ đó mới phân phối vào thành phố thông qua những người dân buôn thúng, bán mẹt…
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm được những việc hết sức bài bản từ vận tải, tiếp binh cho đến việc vận chuyển thương binh ra khỏi thành phố. Để làm được điều đó cần sự đồng lòng, chung sức của cả quân và dân ta. Tôi vẫn nhớ hình ảnh người bác sĩ sẵn lòng cung cấp toàn bộ số thuốc mà ông có cho quân cách mạng, số lượng chưa đủ ông còn vận động các nơi khác chung tay giúp sức; hay hình ảnh chị Lê Thị Mai đứng ra tập hợp các bà mẹ, chị em phụ nữ nấu cơm cho bộ đội. Ở trong thành phố nhiều ngày đêm nhưng bản thân chúng tôi chỉ mang một ít lương thực cầm cự, nếu không có người dân tiếp tế thì khó lòng trụ được.
Ngày 30/1/1968, toàn bộ chiến sĩ đã nằm vào tuyến xuất phát tấn công cả phía bắc lẫn phía nam, cùng lúc đó các chỗ ém quân cũng đã sẵn sàng.
Đúng giờ G: 2 giờ 33 phút, ngày 31/1/1968, từ tuyến xuất phát xung phong, với những cách đánh linh hoạt, các mũi tấn công chiến đấu đồng loạt, dũng mãnh, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu như: Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây, sân bay Tây Lộc, cửa Hữu, Đại Nội, Cột cờ, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba. Cánh phía Nam diệt trung đoàn thiết giáp ngụy ở Tam Thai, khu Nam Giao, Sở Cảnh sát, Đài Phát thanh... Địch bị ta đánh bất ngờ, bất ngờ cả về mục tiêu, thời gian, lực lượng và phương pháp tiến công. Đánh cả bên trong lẫn bên ngoài thành phố, cả vùng nông thôn, đồng bằng. Địch bị động, hoang mang, lúng túng, không nơi nào đối phó, ứng cứu cho nhau được. Chỉ sau 3 giờ chiến đấu, chúng tôi đã chiếm được các mục tiêu trọng yếu cả quân sự lẫn chính trị và làm chủ cơ bản TP. Huế, phía bắc lẫn phía nam.
Sáng 31/1/1968, cờ Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình được kéo lên, bay trên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn, báo hiệu TP. Huế được giải phóng.
Nguyên Minh (ghi)