Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế- xã hội, đời sống dân sinh. Theo một dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất lên tới 5,5% GDP hàng năm nếu không có các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường hữu hiệu. Vì vậy, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường không chỉ vì sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, mà còn vì sự phát triển chung của đất nước.

Trước hết, xét ở góc độ quản lý, việc phát triển sản xuất bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề quy hoạch, định hướng phát triển của nhà quản lý. Trước đây, khi kinh tế khó khăn chúng ta chỉ quan tâm phát triển sản xuất mà ít chú trọng đến bảo vệ môi trường. Hệ lụy kéo theo là một số nhà máy công nghệ lạc hậu được nhập về; một số nhà máy được đặt ngay trong khu vực dân cư gây ô nhiễm cho môi trường... Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, trong lần tháp tùng lãnh đạo tỉnh đi khảo sát dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Cù Dù (Lộc Vĩnh, Phú Lộc), tôi được nghe nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc nên hay không nên xây dựng nhà máy. Nếu xây dựng nhà máy, mỗi năm tỉnh sẽ thu trên 1 nghìn tỷ đồng- tăng gấp đôi tổng thu ngân sách của tỉnh lúc đó. Nhưng đổi lại, cả khu dịch lịch Lăng Cô và cảng Chân Mây có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường. Bây giờ nhìn lại, quyết định không đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Cù Dù là sáng suốt, nếu không làm gì còn có “dự án tỷ đô” đầu tư cho du lịch ở Cù Dù...
 
Xét ở góc độ người sản xuất, lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận thức được, muốn phát triển bền vững phải đi đôi giữa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư xử lý chất thải, nước thải không hề nhỏ nên họ cố tình bỏ qua. Thực tế, với các doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ mà cố ý hủy hoại môi trường không sớm thì muộn đều bị phát hiện, xử lý. Lúc này, cái giá họ phải trả không chỉ là tiền để khắc phục môi trường, mà cái mất lớn hơn là bị người tiêu dùng tẩy chay. Trong đó, bài học của Vedan là một điển hình.
 
Cuối cùng, để đảm bảo cho việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cần có các chế tài xử lý mạnh và chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý, chuyển đổi ngành nghề sản xuất để góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay xu hướng sản xuất sạch hơn ngày càng được đẩy mạnh, người tiêu dùng cũng cần tạo thói quen mới theo hướng lựa chọn, ủng hộ những sản phẩm thân thiện với môi trường... Điều này không chỉ đem lại sự an toàn cho bản thân, mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Hoàng Giang