Trong hành trình này, đất thiêng được thỉnh từ đỉnh Lũng Cú (Hà Giang)- cực Bắc Việt Nam. Đất thiêng còn được mang về từ Đền Hùng (Phú Thọ), từ Điện Biên Phủ, từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị), từ “đất thép thành đồng” - địa đạo Củ Chi, từ cực Nam - mũi Cà Mau. Và ở Huế, đất thiêng được chọn mang ra Trường Sa là đất từ đàn Xã Tắc.
Đại úy Nguyễn Đình Trường trao cát cho phóng viên Báo Tuổi Trẻ
Khi nhận nhiệm vụ đi nhận đất từ nhiều miền Tổ quốc để đưa ra quần đảo trong chương trình “Mang đất thiêng ra Trường Sa” của Báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã nhớ ra câu chuyện tương tự ở đàn Xã Tắc từ hơn hai thế kỷ trước. Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời vua Gia Long, tháng 4/1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc), triều đình bấy giờ huy động tất cả dinh trấn trong cả nước đều phải cống đất sạch về kinh đô Huế để đắp đàn. Như vậy đất ở đàn Xã Tắc có đất của nhiều miền đất nước hội tụ. Chỉ có một điều, ở đàn Xã Tắc chưa có đất cát lấy từ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng chính vì lý do đó, mà trong chuyến hành trình ra Trường Sa cuối tháng 5 năm 2017, khác với các địa điểm “địa linh” được thỉnh đất mang ra Trường Sa, đàn Xã Tắc là nơi duy nhất chúng tôi phải đưa một phần cát nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng về đắp vào phần đất đã thỉnh trước chuyến đi, để từ nay trong vuông đất thiêng liêng của đàn có thêm những nắm cát của một phần máu thịt nước Việt giữa trùng dương. Hơn 210 năm trước, đất nhiều miền Tổ quốc được hòa vào nhau để đắp bồi nên đền Xã Tắc cũng tương tự như hôm nay những nắm đất thiêng từ đất mẹ ra vun bồi cho những hòn đảo giữa khơi xa, những hòn đảo với những số phận đặc biệt, từ bao nhiêu năm nay là nơi người dân nước Việt hướng về, là khắc khoải yêu thương, là mỗi sớm mai nhìn về phía mặt trời, nghe vang vọng hình bóng của những nghĩa sĩ ra đi trong thăm thẳm của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Những thùng đất thiêng mang về từ nhiều miền đất nước được tập kết về cảng Cát Lái chiều 21/5/2017. Sáng 22/5, trước giờ khởi hành, buổi lễ đón nhận và đưa đất thiêng lên tàu diễn ra giản dị mà trang trọng ngay trước tượng đài “Đoàn tàu không số” của Lữ đoàn 125. Một phần đất thiêng được hòa trộn từ đất mọi miền được đựng vào bốn chiếc hộp đồng, những chiếc hộp đồng đựng đất này sẽ được đặt vào chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn và chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh. Phần đất còn lại sẽ được hòa vào cát san hô của những hòn đảo, vun bồi cho những cây xanh được mang từ đất liền ra trồng…
Hành trình mang đất ra đã xong. Nhưng còn để mang cát từ Trường Sa về? Chúng tôi quyết định sẽ mang cát từ An Bang về. Đó là hòn đảo ấn tượng nhất của quần đảo Trường Sa. An Bang như một gạch nối giữa thềm lục địa và toàn bộ quần đảo. An Bang là hòn đảo gian nan nhất, kỳ lạ nhất. An Bang luôn có tên trong những hòn đảo mà các đoàn lên thăm, nhưng không dễ gì có thể lên được hòn đảo đó do vị trí địa lý khá đặc biệt. Trong khi ở các đảo chìm vẫn có cầu cảng cho ca nô cập vào thì ở An Bang chỉ có thể lên đảo bằng một cách: cho ca nô kéo theo thuyền sắt chở khách, ca nô sẽ giảm tốc khi đến gần bờ rồi quành ra phía xa, còn chiến sĩ trên thuyền trung chuyển tung sợi dây thừng lên bờ, hàng chục lính đảo sẽ túm lấy sợi dây, đứng tấn và ra sức kéo thuyền lên bãi cát. Sóng dội ầm ào, chiếc thuyền chòng chành, cát thì lún. Có chứng kiến hình ảnh ấy mới hiểu được thế nào vì sao lên được An Bang gian khó đến vậy! Những bàn tay của lính dù đã mang găng để kéo thuyền nhưng sợi thừng vẫn siết thủng găng, bàn tay trầy đỏ rướm máu.
Nhưng cũng chính vì ở cái vùng biển sóng dữ như thế nên An Bang có một cái đồng hồ… cát rất đặc biệt. Cát quanh đảo được sóng quay vòng, mùa đông, sóng dội từ phía đông bắc, bãi cát bị xô lệch sang phía tây nam, rồi qua mùa gió Tây Nam bãi cát dịch chuyển về mạn đông bắc, cứ thế, bãi cát An Bang chạy vòng quanh thềm đảo, như một vòng tuần hoàn thời gian. Lính đảo nhìn vị trí bãi cát mà biết đã qua mùa xuân hay mùa hạ, nhìn sự vần xoay mà biết đất liền đang rét lạnh hay Tết sắp về. Và trên “bãi cát đồng hồ” kỳ lạ của đảo An Bang, - tham mưu trưởng đảo An Bang đã thay mặt anh em chiến sĩ trên đảo gửi những vốc cát tinh khôi cho chúng tôi mang về đất liền.
Nhận túi cát thiêng liêng từ An Bang của quần đảo Trường Sa, trên hành trình về đất liền, chúng tôi đã hết sức nâng niu cẩn thận. Có một chi tiết nhỏ, tưởng cũng nên kể thêm ra đây là khi ra sân bay Tân Sơn Nhất bay về Huế, lúc đầu túi cát được đóng thùng để gửi theo hành lý, nhưng rồi chợt nghĩ, gửi theo hành lý nhỡ thất lạc thì sao? Đồ đạc có mất vẫn mua lại được, còn để đưa được túi cát này từ Trường Sa về không hề chuyện dễ dàng! Vậy là tất cả đồ đạc tư trang trong ba lô xách tay lên máy bay được gỡ ra và đóng thành hành lý ký gửi, còn túi cát được đặt vào ba lô và mang lên máy bay.
Rốt cuộc thì túi cát An Bang cũng được mang về Huế và vào ngày lành tháng tốt, lễ đắp cát Trường Sa vào đàn Xã Tắc đã được tổ chức trang trọng.
Bây giờ cát Trường Sa đã hòa cùng đất mọi miền ở đàn Xã Tắc, cho dù đó là một hành trình hơn 200 năm. Nhiều khi nghĩ về câu chuyện của hành trình đưa cát về đàn Xã Tắc tôi lại nghĩ đến câu thơ của vua Trần Nhân Tông trong bài “Tức sự”: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu. (Đất nước hai lần ngựa đá phải mệt nhọc, nhưng núi sông ngàn đời được đặt vững như âu vàng).
Biển Đông những tháng ngày qua, hôm nay và những ngày tháng tới vẫn chưa bình yên, vậy thì hạt cát Trường Sa giữa trùng khơi mang về góp vào đàn Xã Tắc chính là một thông điệp thiêng liêng về chủ quyền nước Việt: Luôn thường trực, thao thức và nhắc nhớ!
Bài, ảnh: Lê Đức Dục