Giải quyết việc làm, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (RGDP) và góp phần vào việc tăng thu nhập của người dân địa phương, nhất là ở những vùng có sự hiện diện của di sản là những đóng góp, hay nói một cách khác đi là hiệu quả của sự công nhận; chi phí đầu tư, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa cũng như những hiệu ứng tích cực đến lòng tự tôn, tính liên đới và đóng góp của cộng đồng ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật và giáo dục...

Khách thăm Đại Nội sau cơn mưa. 

Dù là trọng điểm và lượng khách đến các điểm di tích thuộc di sản văn hóa Huế gần tương đương với lượng khách đến Huế trong mỗi năm, nhưng đặt trong tổng thể và tương quan với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, Quần thể di tích Cố đô Huế cũng chỉ là một khu vực. Lâu nay, có một câu hỏi hay được đặt ra là trong khi lượng khách đến với khu di sản này tăng nhưng vì sao lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế lại giảm, nhất là số ngày khách lưu trú vẫn đang chững lại dưới mức 2 ngày? Vấn đề này xin được đặt ra ở một góc nhìn khác. Điều chúng tôi quan tâm ở đây chưa phải là tác động qua lại giữa các khu vực trong phát triển du lịch, cũng không hẳn là những nỗ lực đang có ở một khu di sản bao gồm nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới, mà là chúng ta đã đạt đến ngưỡng trong việc khai thác? Đã xuất hiện chưa những cảnh báo về tác dụng và hiệu ứng trở lại giữa khai thác và bảo tồn?

Tổng thư ký ICHCAP châu Á Thái Bình Dương – ông Huh Kwon trong một tham luận tại Huế đã chuyển đến một thông điệp về việc làm hỏng giá trị của di sản văn hóa nói chung do du lịch tài nguyên hóa quá đáng. Hiện tượng nhiệt độ trong hang tăng lên, ẩm hơn do phải đón quá nhiều du khách, làm cho các bức tường ngàn năm của hang đá Dunhuang ở Cam Túc – một di sản văn hóa thế giới được công nhận vào năm 1987 là một minh chứng. Một ví dụ tương tự khác đến từ động Seokguram của Gyeongju  - vốn được coi là bảo vật quốc gia thứ 24 của Hàn Quốc và được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1995. Để hạn chế điều này, người ta phải lắp thiết bị để khử hơi ẩm và kiểm soát gắt gao việc ra vào của khách du lịch.

Chưa công bố cụ thể, hoặc có thể là chưa có một đánh giá tác động nào một cách quy củ và bài bản đối với các di sản văn hóa của cả nước cũng như của Thừa Thiên Huế. Cần phải xem ai sẽ đến Huế và họ “ứng xử” với điểm đến như thế nào khi mà nền tảng văn hóa thì Huế gần như hết sức tải, đã đạt ngưỡng. Di tích Huế cần phải được nghỉ ngơi, phục hồi một cách tự nhiên. Nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt năng lượng; không thể khai thác “quá nóng” vì sẽ quá tải, dẫn đến hư hại cảnh quan, di tích... là điều mà ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch và ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Sở Du lịch) đã chia sẻ. Tuy nhiên, những tác động nào mà khu di sản văn hóa Huế đang có? Sức chứa và ngưỡng của sức chứa đối với khu di sản này như thế nào?

20.000 lượt khách/ngày, tính ra là vào khoảng 7 triệu lượt khách/năm được cho là hơi quá sức chịu đựng với khu di sản văn hóa Huế và thực tế, có những ngày di tích Huế phải “cõng” 25.000 lượt khách dịp miễn phí. Quan điểm của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sức chịu và ngưỡng đối với Quần thể di tích Cố đô Huế nên giới hạn ở con số 5 triệu lượt khách/năm. Điều thống nhất ở đây là chất lượng và ứng xử của khách đến chứ không nằm ở số lượng.

Có thể 4 năm nữa Quần thể di tích Cố đô Huế sẽ đạt ngưỡng tối đa nên có là 5 triệu lượt khách, nhưng thời gian cũng có thể ngắn hơn với những nỗ lực hay những thay đổi về phương thức hoạt động. Nhưng đó là một định lượng chung cho tất cả các điểm. E rằng cần có những định tính riêng cho từng điểm tham quan, với những đặc thù và điểm cá biệt để tránh những hiện tượng, những tác động về cảnh quan, môi trường... như đã từng xảy ra với Dunhuang và Seokguram. Đây cũng là điều kiện cho sự phát triển dài lâu và không phải chỉ cho một thời kỳ hay một thời đại.

Ninh Bình hiện đang có những vấn đề về nguồn thu và sự đóng góp sau phương thức xã hội hóa. Đang có những cảnh báo về sự quá tải ở Hội An. Việc đưa dịch vụ ăn uống vào kinh doanh ở hang Trống và hồ Động Tiên (thuộc di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long) đã làm dư luận phản ứng vì phản cảm và mất mỹ quan; những băn khoăn của các chuyên gia xung quanh việc lắp thang, leo dây trong hang Sơn Đoòng (Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) để phục vụ du khách sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất và có thể làm biến dạng các khối thạch nhũ tuyệt đẹp... có thể xem là vấn đề của Việt Nam. Trên phạm vi rộng hơn, di sản Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức), Khu bảo tồn linh dương Ả Rập (Oman) đã bị UNESCO buộc phải “tước” danh hiệu di sản thế giới. 55 địa điểm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, chủ yếu nằm ở các nước đang phát triển của châu Á, châu Phi có nguy cơ bị đe dọa và khuyến cáo các nước cần có những biện pháp thích hợp để phòng tránh, ngăn chặn nguy cơ này là con số được UNESCO đưa ra trong năm 2016...

Những tác động này chưa diễn ra ở Huế, nhưng nếu không tính toán và đong đếm được sức bền và sức chứa để giải tỏa bớt áp lực bằng việc tạo ra những sản phẩm - điểm đến mới và khác, biết đâu sẽ có ngày chúng ta phải xoay xở để tìm lối ra cho những tác động tiêu cực này trước yêu cầu “bảo đảm việc gắn kết, lồng ghép giữa bảo vệ di sản thế giới với bảo vệ môi trường và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ di sản thế giới với phát triển bền vững” tại điểm c, điều 7 về Nguyên tắc lập, thời hạn của kế hoạch quản lý di sản thế giới của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về “Bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” của Chính phủ ban hành mới đây và đã chính thức có hiệu lực từ trung tuần tháng 11-2017 vừa qua.

Bài: Hoàng Mai

Ảnh: Bảo Minh