Dĩa sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh

Sinh ra tại Quảng Bình, nhưng Hoàng Đại Lệ sống ở Huế từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Thân sinh anh là một công chức trong ngành hỏa xa từ thời Pháp thuộc, từng làm “chef de gare” (trưởng ga) tại các ga: Lăng Cô, Thừa Lưu, Noong, Truồi… Ông để các con sống ở Huế, còn bản thân thì rày đây mai đó trên tuyến đường sắt Huế - Tourane (Đà Nẵng). Vì thế tuổi thơ của Hoàng Đại Lệ và các anh chị em đều gắn bó với miền đất Hương Ngự.

Năm 1964, Hoàng Đại Lệ chuyển vào Sài Gòn sống với người anh. Tuy nhiên, ký ức về Huế, tính cách Huế, lối sống Huế và sự am hiểu lịch sử văn hóa xứ Huế luôn trọn vẹn trong anh, kể cả lúc anh và gia đình sang Mỹ định cư vào đầu thập niên 1990.

Hoàng Đại Lệ thích chơi cổ ngoạn, bonsai, đá kiểng…. Anh đặc biệt đam mê bleus de Hué, dòng đồ sứ do triều Lê - Trịnh và triều Nguyễn ký kiểu tại Trung Hoa từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Cũng vì mê đồ sứ ký kiểu mà tôi và anh có duyên quen biết nhau. Thi thoảng, anh gửi cho tôi những bức ảnh về đồ sứ ký kiểu, nhờ coi giúp là đồ thiệt hay đồ giả? Giá bao nhiêu thì mua được? Chúng tôi thành bạn tâm giao từ đó.

Hoàng Đại Lệ giới thiệu với người viết một chiếc tô sứ ký kiểu đời Tự Đức trong sưu tập cổ vật của anh.

Cuối năm 2015, tôi có chuyến du lịch đến Nam California. Anh Hoàng Đại Lệ hay tin, liền mời tôi về nhà anh ở Lake Elsinore để xem sưu tập đồ cổ xứ Huế mà anh dày công sưu tầm trong mấy chục năm qua. Anh kể, khi gia đình tôi còn ở Huế, trong nhà có chưng mấy món đồ cổ, phần  lớn là đồ Tây, như đồng hồ, gốm xốp, đồ gỗ nội thất… nên tôi đã biết đến đồ cổ từ khi còn trẻ. Hồi đó, đồ bleus de Hué ít người biết, vì đa phần đều được cất giữ trong cung điện của vua chúa. Mãi sau này vô Sài Gòn, đọc bộ sách của cụ Vương Hồng Sển, trong đó có mấy quyển viết về đồ sứ Tàu và đồ bleus de Hué nên tôi mới biết đến dòng đồ sứ ký kiểu này. Từ đó sinh ham, đi đâu cũng ngó nghiêng, tìm mua đồ bleus de Huế đem về chưng trong nhà, như là hoài niệm về những tháng ngày sinh sống ở Huế. Tích lũy lâu ngày thì cũng ra sưu tập.

Anh hướng dẫn tôi đi thăm sưu tập cổ vật xứ Huế, tỉ mỉ giới thiệu lai lịch từng món đồ đã truy tầm và sở đắc. Sau khi sang Mỹ, anh đã trở về Huế nhiều lần. Lần nào cũng thuê xe đi thăm các ga xe lửa nằm trong cung đường Huế - Tourane mà thân sinh anh từng làm “chef” trước đây. Sau đó là đi tìm đồ cổ xứ Huế. Hoàng Đại Lệ quen biết với hầu hết những tay chơi và nhà buôn đồ cổ trứ danh ở Huế, trở thành khách hàng thường xuyên của họ.

Anh nói, có khi gặp duyên, chỉ tới một lần, trao đổi vài câu là đã mua được món đồ mình thích. Nhưng có khi tới lui dăm bảy lần, thậm chí chuyến này về không mua được, chuyến sau về lại tìm đến nhưng cũng không rước được món cổ ngoạn mà mình ấp ủ. Chẳng hạn như bộ đồ trà Mai hạc men rạn, hiệu đề Giáp Tí (1804) của ông Cường ở đường Chi Lăng. Ông Cường đòi giá rất cao. Tôi trả tới 80% giá ông ấy đưa ra nhưng giao dịch bất thành. Năm sau tôi về lại thì ông ấy đã bán cho người khác, chỉ bằng nửa giá mà ông đòi tôi phải trả. Thế là vuột mất bộ đồ trà Mai hạc quý mà tôi rất mê.

Một cách bày biện đồ sứ ký kiểu rất độc dáo của Hoàng Đại Lệ

Sưu tập đồ sứ của Hoàng Đại Lệ có khoảng 150 món, chủ yếu là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Trong đó nhiều nhất là đồ trà, tô chén đề thơ Nôm đời Minh Mạng và Tự Đức, đồ viên long đời Thiệu Trị… Ngoài ra còn có những món đồ gốm xốp của các lò Sevres (Pháp), Stoke Upon Trent (Anh), Delf (Hà Lan)…, là những đồ sứ mà giới chức sắc người Pháp và cộng sự của họ ở An Nam vào đầu thế kỷ 20 rất thích sưu tầm, thưởng ngoạn.

Không chỉ đam mê bleus de Hué, Hoàng Đại Lệ còn chịu khó săn lùng những món đồ gỗ thời Nguyễn, như tủ chè, trường kỷ, quả hộp khảm cẩn xà cừ…, gốc gác từ Huế mang về Mỹ để “bày cho xứng hợp với những món đồ sứ của Huế”, như lời anh nói với tôi. Anh cho biết, ngoài sưu tập đồ Huế ở Lake Elsinore, anh còn có những món đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và đồ gốm hoa lam thời Lê quý hiếm, trưng bày trong một ngôi nhà khác ở Seattle (tiểu bang Washington) và mời tôi khi nào có điều kiện thì ghé thăm.

Tháng 4 / 2016, tôi sang Seattle tham dự hội thảo quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu. Sau hội thảo, Hoàng Đại Lệ đón tôi về thăm sưu tập thứ hai của anh. Đúng như anh nói: đồ không nhiều, nhưng toàn đồ tinh tuyển, đặc biệt là những món đồ thuộc dòng Nội phủ - Khánh xuân thời Lê - Trịnh và gốm Chu Đậu thời Lê. Anh cho biết, mỗi khi mua được một món đồ quý, anh đều nấn ná ở lại Huế hay Sài Gòn thêm vài hôm để thuê người bịt vàng ở vành miệng các món đồ, vừa để tránh sứt mẻ, vừa tôn thêm giá trị của món đồ. Bục kệ, giá đỡ để bài trí những món đồ cổ quý giá cũng được anh thiết kế và đặt làm ở Huế, sao cho tương xứng với kiểu thức và giá trị của món đồ xưa.

Tháng 4/2017, Hoàng Đại Lệ đưa vợ và em gái về thăm Huế lần nữa. Đón anh ở sân bay, anh nói với tôi: “Sau hai ngày thăm Đà Nẵng và Hội An, Sơn cho gia đình mình đi Huế nghe”. Vậy là tôi chở gia đình anh về Huế, đưa đi thăm lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng, tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu của nhà sưu tầm Trần Đình Sơn, và sau cùng là đi tìm đồ cổ.

Tôi đưa anh Hoàng Đại Lệ đến gặp một số nhà buôn đồ cổ có tiếng ở Huế. Tuy nhiên, anh chỉ mua được vài món đồ trà. Bởi lẽ, “đồ cổ ‘có chân’ nên những món đồ có giá trị đã rời Huế. Cũng may, Huế còn có hai bảo tàng đang lưu giữ nhiều cổ vật quý của cố đô để người Huế đời sau còn có dịp thưởng ngoạn cổ vật của quê hương”. Anh chia sẻ như vậy với tôi trước khi rời Huế.

Bài, ảnh: Trần Đức Anh Sơn