Năm APEC 2017 nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017
Những điểm nhấn
Nhìn lại châu Á trong một năm vừa qua, có thể thấy rõ những điểm sáng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nổi bật hơn cả là các thành tựu về kinh tế. Theo tạp chí Wall Street Journal, xuất khẩu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm gần đây, chủ yếu nhờ nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, sự phục hồi của giá dầu và giá hàng hóa, cũng như sự cải thiện trong nhiều hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.
Ông Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tập đoàn Nomura Holdings Inc cho rằng, đây là thời kỳ chứng tỏ hoạt động ngoại thương ở châu Á phục hồi mạnh nhất sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Điểm nhấn tiêu biểu trong khu vực là việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khép lại một năm hội nhập thành công đầy dấu ấn, bởi sự hợp tác sâu rộng nội khối và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại trên thế giới; đồng thời đây cũng là năm đánh dấu cột mốc 50 năm thành lập khối khu vực này.
Nổi bật trong số đó là hợp tác kinh tế trong ASEAN, như việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với 96,01% tổng số dòng thuế trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) đã xóa bỏ 99,2% dòng thuế, trong khi các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) xóa bỏ 90,9% dòng thuế.
Ngoài ra, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng được cải thiện vào cuối năm 2017, với chỉ số sản lượng tương lai đạt mức cao của 9 tháng.
Bên cạnh đó, năm 2017 được đánh giá là năm ghi dấu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và tăng cường hội nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu mang lại những kết quả thật sự ấn tượng về cả kinh tế, thương mại và đầu tư.
Cụ thể, Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, theo nhận định của hãng thông tấn Asian Correspondent.
Trên cơ sở đó, Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều sức hút đối với các công ty đa quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển; đồng thời nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
2018 - nhiều triển vọng tươi sáng
Với những gì đã đạt được trong năm 2017, nền kinh tế châu Á cho thấy các dấu hiệu tích cực, đặc biệt là sản xuất sẽ kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể phát triển hơn nữa vào đầu năm 2018.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2018 tăng lên mức 5,8%. Sự mở rộng bất ngờ ở Trung Á, Đông Á và Đông Nam Á sẽ bù đắp cho sự điều chỉnh theo hướng giảm ở Nam Á.
Ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADB cho biết: “Châu Á đang phát triển và tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, ngay cả khi khu vực đang dần điều chỉnh nền kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng như tại Trung Quốc và đối mặt với rủi ro toàn cầu”.
Lực lượng lao động châu Á có quyền mong đợi về mức tăng lương thực tế cao nhất thế giới vào khoảng 2,8%, nhờ vào tăng trưởng vững chắc và sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế khu vực.
Theo tiểu vùng, tốc độ tăng trưởng của Đông Á vào năm 2018 được dự kiến ở mức 5,8%. Triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt 6,4% nhờ vào sự phục hồi trong thu nhập và tiêu dùng.
Nam Á vẫn sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong số tất cả các tiểu khu vực ở châu Á và Thái Bình Dương, với mức dự báo vào khoảng 7%. Cụ thể, tăng trưởng GDP ở Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng được điểu chỉnh tăng lên mức 7,3%, cao hơn so với 6,7% của năm 2017.
Thông qua việc hội nhập thương mại và có chỗ đứng trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), khu vực Đông Nam Á đã có một thời gian dài trở thành khu kinh tế phát triển năng động, mạnh mẽ. Các yếu tố này là tiền đề tốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế linh hoạt hơn trong năm 2018. Với sự dẫn dắt của Singapore trên cương vị tân Chủ tịch ASEAN, Đông Nam Á được dự báo sẽ bước vào một tương lai ngày một tươi sáng.
Bước sang năm mới 2018, thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào các hành động tiếp theo để giải quyết các vấn đề xã hội của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, động thái của bà Aung San Suu Kyi đối với vấn đề Rohingya ở Myanmar... và chào đón hai sự kiện lớn toàn cầu là Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang và World Cup 2018. Ngoài ra, chính phủ các nước cần phải nâng cao cảnh giác với nguy cơ bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến khu vực Đông Nam Á.
Riêng về Việt Nam, hãng tin CNA cho biết, động cơ phát triển có thể bắt đầu từ ngành điện tử, nhất là khi Việt Nam và các nền kinh tế khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines gia nhập vào chuỗi cung cấp điện tử của châu Á. Trong thị trường cung ứng các linh kiện bán dẫn của ASEAN, Việt Nam có cơ hội phát triển nhất khi trở thành sự lựa chọn của các nhà sản xuất Hàn Quốc như LG, SamSung. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng may mặc và xuất khẩu nông nghiệp, kinh tế Việt Nam năm 2018 dự kiến sẽ là giai đoạn phát triển tốt đẹp.
“Ngoại giao Việt Nam trong năm 2018 và các năm tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đối ngoại, tiếp tục phát huy thành công của Năm APEC Việt Nam và của mối các quan hệ song phương, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn nữa; triển khai các định hướng đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; triển khai mạnh Nghị quyết 06 về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, trích bài viết “Thành tựu đối ngoại 2017: Vị thế mới, khí thế mới” của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
LÊ THẢO - HẠNH NHI
(Tổng hợp và lược dịch từ Markit Economics, ADB, Nikkei, The Star Online & Asia Society)