Ngay cả hai đứa trẻ nhà tôi, sau cái le lưỡi và vài lời tưởng như lo âu, mọi việc lại đâu vào đấy. Chúng vẫn uống trà sữa vì đơn giản là “con thèm” và “không phải chỗ nào người ta cũng làm thế”.

Thực ra thì tôi cũng buộc phải tự trấn an mình, bằng cách khuyên lũ trẻ chọn chỗ nào được xem là đáng tin cậy nhất. Cũng giống như khi chúng dùng facebook như một kênh kết nối thông tin ra bên ngoài, tôi – chắc cũng giống như nhiều ông bố bà mẹ khác - cố hướng dẫn, gợi ý và chia sẻ những điều mà mình thấy có ích, đồng thời cũng đặt ra một yêu cầu, thậm chí là quy định về thời gian dành cho việc lướt và tương tác trên không gian mạng. Cố nhiên, việc này hoàn toàn đặt lòng tin vào con cái, chí ít thì cũng trong khoảng thời gian mà mình có thể biết được, quản lý được.

Mạng xã hội đương nhiên là có nhiều thứ cám dỗ, ngay cả với những người không còn là tuổi teen nữa. Vị thứ số 7 trên bản đồ người dùng facebook của Việt Nam (sau Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Indonesia, Mexico và Philippines) đã cho thấy điều này. Thông tin mới nhất được Vietnamnet cập nhật tại buổi tiếp đại diện Facebook của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho thấy, hiện nay 70% dân số ở Việt Nam sử dụng internet và 53 triệu người sử dụng mạng xã hội, mạng facebook... Còn theo trang tin trước đó của The Next Web, số người dùng facebook ở Việt Nam đã chiếm 3% trong tổng số tài khoản facebook đang hoạt động toàn cầu.

Tôi cũng không rõ, số người dành thời gian sử dụng facebook có thay đổi và thay đổi theo chiều hướng nào so với 2,5 giờ mỗi ngày vào năm 2015. Điều mà tôi nhận thấy, ngay từ thông tin và những gì mà bản thân mình nhận được từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ khác là có nhiều thứ trở nên nhanh hơn, tiện dụng hơn trong tương tác và không phải trả phí tính bằng tiền. Thậm chí có nhiều người còn thu được tiền nhờ kinh doanh trên facebook. Đương nhiên, là có nhiều thứ bị lấy mất, chẳng hạn như thời gian chuyện trò, trao đổi; những mối quan hệ thân tình bị chi phối, thời gian (của chính mình, nếu không biết cách kiểm soát và kèm theo đôi khi là những trạng thái bỗng dưng bị có), nhưng comment hay thậm chí là những nút like lạc lối, những gợi ý hết sức xa lạ... Tôi biết đó cũng là những chi phí cơ hội buộc phải trả, dù cũng không phải ngay và luôn bằng mệnh giá đồng tiền, vì vốn lẽ không có chiếc bánh mì nào là miễn phí và thế giới xung quanh chúng ta không còn là hai mặt của vấn đề mà đã trở nên đa diện hơn.

Thế giới của con cái chúng tôi cũng đã thay đổi và cách chúng nhìn, đánh giá và tham gia vào cuộc sống cũng bị chi phối bởi nhiều thứ. Có thể chưa hay hơn nhưng chưa chắc đã dở hơn và điều đó cũng tùy thuộc vào cha mẹ, vào nhà trường, vào môi trường xung quanh. Những ngập ngừng, nghi ngại về những gì mà chúng đang tương tác mỗi ngày thật ra là điều cần thiết, tuy nhiên nó cũng cần được chế ngự từ bản thân chúng ta và chính chúng ta nữa.

Facebook, cũng giống như trà sữa, đang tồn tại ở đó những cảnh báo về sự không an toàn đến từ nguồn nguyên liệu khó, hoặc không kiểm soát được. Vấn đề có lẽ là làm thế nào để chúng ta, và cơ bản là những người trẻ nữa biết cách không bị gây nghiện và đừng bị dẫn dắt bởi những điều xa lạ với cuộc sống thật mỗi ngày.  

Nguyễn An Lê