Dân làng Thanh Thủy Chánh (Thủy Thanh) thờ “thần cẩu” cầu mong sự yên bình
Khát vọng bình yên
Bên con hói chạy vắt qua làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh (Hương Thủy) hiện vẫn còn một tấm bình phong đã phong hóa theo màu thời gian. Trong tấm bình phong xây bằng gạch từ xưa, cư dân ở đây có dựng một am thờ “thần cẩu” với bức tượng con chó bằng đất sét nung.
Kể về tục thờ này, ông Nguyễn Quang Uyển, người phụ trách nghi lễ của làng Thanh Thủy Chánh cho biết, hồi trước, Thủy Thanh là xứ đồng rộng mênh mông, những “bờ xôi ruộng mật”. Đó là thành quả “trị thủy”, đắp đất be bờ nhiều thế hệ của cư dân trong làng mà việc quan trọng nhất là đào các kênh, hói dẫn nước, lấy phù sa từ dòng sông chính Như Ý. Hiện nay, làng có 5 con hói đều được dựng am thờ bên cạnh để cầu sự “che chở” cho dân làng.
Khoảng 150 năm trước, cư dân vùng này toàn nhà mái tranh, chỉ một số ít nhà ngói từ những phú nông giàu có trong làng. Làng Thanh Thủy Chánh huy động sức dân đào con hói Lao Động. Hói từ trên đường chính “đâm” thẳng vào làng. Từ đó, nhiều nhà dân gặp hỏa hoạn. Trong làng có nhiều thầy phong thủy giỏi, họ cho rằng con hói đã làm đứt “long mạch” khiến đời sống cư dân làng bị đảo lộn. Thế là dân làng họp nhau, làm theo lời các thầy phong thủy, thờ “thần cẩu” trấn giữ cho làng. Trải qua thời gian, tượng “thần cẩu” vẫn giữ nguyên là bức tượng đất sét từ thuở thờ tự ban đầu. Ngày rằm, lễ, tết, dân trong làng đều có lễ cúng dâng lên “thần cẩu”.
Tượng “thiên cẩu” được đặt thờ tại làng Phổ Đông (Phú Thượng)
Từ Quốc lộ 49, chạy về biển Thuận An, du khách cũng ngỡ ngàng trước 2 bức tượng “thiên cẩu” được dựng bên đường với mái che, mặt hướng ra đường lớn. Hai bức tượng này có màu vàng và đen với dáng đứng uy nghi, khoan thai được người dân làng Phổ Đông, Phổ Trung (Phú Thượng, Phú Vang) chăm sóc, hương khói quanh năm.
Bà Lê Thị Mai (80 tuổi, làng Phổ Đông) 62 năm gắn bó với làng chứng kiến nhiều thăng trầm liên quan bức tượng “thiên cẩu” màu vàng đặt đầu làng. Theo bà Mai, trong 5 làng thuộc khu vực Nam Phổ thì chỉ có hai làng Phổ Đông và Phổ Trung là có thờ tượng “thiên cẩu”. Làng Phổ Đông trước đây, tượng “thiên cẩu” chỉ là khối đá có hình dạng con chó nằm ven đường. Khi mở đường, người ta vô tình đập đi, dân làng thấy thế thì góp nhau tôn tạo và có một người bỏ công xây lại bức tượng mới có tráng men vàng, kích thước giống con vật thật như hiện nay.
“Ông bà xưa truyền lại rằng, thời phong kiến, bên kia là làng Phú Khê có ngôi đình trấn hướng “khoa cử” nên làng bên này nhiều đời không có người học giỏi, đỗ đạt. Các thầy phong thủy khuyên nên thỉnh “ngài” về thờ để trấn giữ như ngày nay. Chuyện xưa truyền lại là thế, nhưng hiện nay thì làng vẫn có nhiều người học giỏi, làm việc khắp mọi miền đất nước”, bà Mai kể.
Làng Phổ Trung (cách đó chừng hơn 1km), câu chuyện bức tượng ngài “thiên cẩu” màu đen được cụ bà Hoàng Thị Hội (87 tuổi) kể lại có phần ly kỳ hơn. Thuở xưa, dân làng chủ yếu làm ruộng vườn, nhà tranh vách đất. Trong làng có nhiều nhà hay bị hỏa hoạn không rõ lý do, các bô lão trong làng đã thỉnh ngài “thiên cẩu” về để trấm yểm, giữ bình yên cho làng.
Truyền thống đẹp
Ông Nguyễn Quang Uyển, người phụ trách nghi lễ của làng Thanh Thủy Chánh cho biết, tục thờ cúng thiên cẩu dần cũng trở thành sợi dây tâm linh gắn kết những cư dân trong làng. Qua đó, lớp con cháu sau này mới biết đến việc cha ông xưa đã “lao tâm khổ tứ” như thế nào để giữ từng vuông đất, nên hình hài cho các thế hệ ngày nay. Là vùng sản xuất nông nghiệp, dân làng Thanh Thủy Chánh vẫn giữ niềm tin có “ngài” che chở, phù hộ để mùa màng bội thu.
Đối với dân làng Phổ Đông và Phổ Trung, cư dân luôn luôn ghi nhớ những ngày mười bốn, ba mươi, mùng một hàng tháng và các ngày tết đều dâng cúng các lễ vật như con gà, đĩa xôi, cau trầu, rượu và hoa quả cho ngài “thiên cẩu”. Bốn năm một lần, dân làng họp lại bầu một ông từ chăm lo việc hương khói, vệ sinh, giữ gìn ngôi miếu thờ.
“Có thờ có thiêng, có kiêng ắt có lành”, người dân hai làng thờ “thiên cẩu” hướng ra đường lớn không chỉ như vị thần giữ nhà mà còn giữ yên làng xóm, quê hương. Cư dân trong làng cũng ý thức hơn để giữ gìn truyền thống những thành quả truyền thống tốt đẹp của ông cha”, cụ Mai đúc kết.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, những giai thoại được người dân truyền tụng hàng trăm năm qua đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đẹp, mang dấu ấn tâm linh và khác biệt. Chủ trương lưu giữ và duy trì tục thờ “thiên cẩu” chính là cách người dân tri ân hoặc ngăn giữ những uế khí xâm phạm và cầu mong sự bình yên cho dân làng. Tục thờ thiên cẩu trước đây không phải là hiếm có ở Việt Nam, nhưng đến nay nhiều địa phương không còn giữ được.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh