Mừng tuổi. Ảnh: Vũ Phạm

Dĩ nhiên, nhà giáo dục kia không hài lòng với câu trả lời đó, gặng hỏi. Một người mẹ có chồng chết sớm, để lại những đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy mười lăm tuổi, tiền của eo hẹp, người đàn bà ấy phải làm gì?... Người mẹ ấy đã không làm gì cả. Bà chỉ “xét lại lương tâm. Khi xét mình, tôi đã thấy: cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình trở nên khá hơn, có nhiều đức tính thêm. Tôi làm ngay… Rồi cứ thế mà tiến…”. Chỉ ngần ấy, tôi đã lặng đi trước sự huyền diệu - đơn - giản ấy của Người Mẹ kia. Một người mẹ đã lấy cả lương tâm của mình để sống, để chỉ bảo, dạy dỗ những đứa con nên người. Lòng người mẹ đủ rộng, tình người mẹ đủ ấm. Để có chỗ cho những đứa con lớn lên, đủ đầy và sung túc, trong nghĩa lớn nhất của tình cảm và tinh thần. Nên mười đứa con vinh hiển trên con đường đời là điều có thể hiểu.

Nên một hôm, tôi đã bật cười trước dòng trạng thái trên trang cá nhân của một người bạn đang ở xa nửa vòng trái đất. Mom! although you are always in my heart, I burned myself by a fond remembrance of you! (Mẹ à! Mặc dù Mẹ luôn ở trong trái tim con, con vẫn rất xúc động khi nhớ về một ký ức trìu mến cùng Mẹ). Dường như, sự mềm yếu trong con người ấy, không đủ sức giấu đi, khi gọi điện về nhà, mẹ nói rằng vừa tìm được một món ăn mà con hằng thích, rồi mẹ sẽ tìm cách gửi qua cho con. Người đàn ông nửa đời lì lợm với bao giông bão cuộc đời, một mình lầm lũi đi những nơi người ta tránh, ở những nơi người ta chê, tưởng như nước mắt không còn chỗ để lăn ra, nhưng mỗi khi giọng người mẹ thủ thỉ bên tai, thì nước mắt ào ào tuôn chảy.

Nhà tôi ở vùng quê, những chiều cuối năm, mẹ tôi thường xách giỏ đi chợ, lựa cho được những thứ thật tươi, thật ngon, và phải thật đẹp, để sửa soạn bữa cơm chiều cuối năm cho gia đình. Cũng có lúc, một bữa chợ chưa mua được những thức vừa ý, mẹ tôi phải đi thêm nhiều bữa sau. Nhìn cái kiểu lựa của bà, cách nâng lên đặt xuống, rất nhẹ nhàng, dịu dàng, khiến người bán khó mà mở lời trách, nhưng để mua thì không dễ. Đây là thứ cúng kiếng, không được phạm! Chỉ cần bà buông ra câu nói nhẹ nhàng đó, thì đắt cũng không được, mà xấu cũng không xong. Người bán sẵn lòng đưa ra cả những món còn cất dưới thúng cho bà lựa. Ít thôi cũng được, nhỏ thôi cũng không sao. Nhưng phải đẹp, phải sạch, phải tinh tấn.

Rồi nữa, mỗi món trong bữa cơm chiều cuối năm ấy, phải tiện đâu mua đó được đâu. Với bà, món đó phải mua từ người bán đó, bất di bất dịch. Bà tin, khi bà chỉ ngồi ở nhà, sai tôi qua chợ Đông Ba, đến đúng hàng o nớ, nói tên bà ra, thì thứ chi tốt đẹp nhất, người ta sẽ để dành cho bà, đưa cho bà bằng tất cả những tín cẩn của mấy mươi năm trên đời bà đã từng sống gộp lại. Mua chỗ khác, dẫu có ngon bằng trời, thì chỉ cần thoáng qua, hẩy lên, nếm thử, là phẩy tay bỏ qua một bên.

Người xưa họ quen dùng cái vị ngày xưa mất rồi.

Khi tất cả những thức đã chuẩn bị xong xuôi, nhà cửa vườn tược đã sạch sẽ, bàn thờ gia tiên các vị đã tươm tất, mẹ tôi để dành nguyên một ngày ba mươi tết, chỉ để nấu một bữa cơm cho gia đình. Rồi mẹ tôi dặn, ngày ba mươi, con ở nhà làm cơm với mạ. Cúng tất niên là mời ông bà tổ tiên về ăn tết, chừ đến ba mươi, không có được bữa cơm, ngó răng được.

Một mâm cơm xứ này, đến giờ, vẫn dùng những chén dĩa nhỏ xíu, đậm màu men của hoa văn với những món ăn được cắt tỉa nấu nướng kỹ càng. Tôi không muốn nói từ “kỳ công”. Mẹ tôi không thích từ ấy. Với bà, mọi việc lớn nhỏ phải được làm kỹ càng, không làm dối, không làm ẩu, không làm lấy được, không làm cho có. Phải tỉ mẩn, cái chi ra cái nấy. Nên hẳn nhiên là đẹp, là tươm tất. Chứ không phải kỳ công. Ai bắt ai đòi mô mà kỳ công! Mẹ tôi thường thở dài mà nói vậy, mỗi khi có đứa con nào tỏ ý nóng vội hay đùn đẩy.

Rồi bữa trưa hôm ấy, những đứa cháu con dâu rể nội ngoại, tề tựu đông đủ nhà trên, bữa cơm mới được bắt đầu. Mược chiếc áo the đen của ba tôi để lại, bà thành kính dâng hương, trìu mến nhắc từng đứa con, đứa cháu, mặc áo dài vô cho tử tế, mà thắp hương cho ông bà. Những vòng nhang khói tỏa trên bàn thờ, quyện mùi hương trầm dìu dịu, và hương của những bông hoa ngày tết… tất cả, quấn quyện nhau lại, thành một mùi khó tả, không thể lẫn vào bất kỳ nơi đâu, thấm sâu vào ký ức của mỗi thành viên trong gia đình.

Nhà tôi, một nếp nhà xưa cũ nằm nép bên con sông Như Ý, một nhánh sông nhỏ trổ ra từ sông Hương, vẫn còn giữ những bữa cơm chiều ba mươi như thế. Thành thử, mỗi năm, những đứa con trong gia đình dù đi đâu, cũng thu xếp cho được, để về với Mạ.

Cũng như nhiều ngôi nhà khác, có nhiều Người Mẹ khác trên trái đất này, họ luôn giữ vững lương tâm, không làm gì cả, đúng hơn, không cần làm thêm điều gì cả, chỉ cần nhớ đứa con nào tâm tính ra sao, nhớ thức ăn nào đứa con mình tha thiết, vẫn tự tay chuẩn bị những bữa cơm chiều ba mươi tinh tấn như vậy, để gìn giữ tấm lòng, gìn giữ tình yêu thương trong những mái nhà. Chỉ cần như thế, những đứa con của họ cũng sẽ lớn lên và vinh hiển trong cuộc đời này.

Đông Hà