Máy điều hòa không khí là thiết bị chiếm phần lớn nhu cầu điện gia dụng. Ảnh: CNA
Theo báo cáo từ quá trình khảo sát hệ thống làm mát được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân tại các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được ghi nhận là tăng đến 70% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016. Trong đó, máy điều hòa không khí là thiết bị chiếm phần lớn nhu cầu điện gia dụng. Vào thời điểm hiện tại, xu hướng này đang tiếp tục tăng lên khi dân số tăng, khu vực đô thị mở rộng và thu nhập người dân được cải thiện. Ngoài ra, nhiều nhà máy, doanh nghiệp dịch vụ trong khu vực cũng ưa chuộng sử dụng thiết bị này cho quá trình hoạt động, với nguồn điện chủ yếu được cung cấp bởi các nhà máy điện đốt than.
Trước hiện trạng này, các nhà chuyên gia kêu gọi các doanh nghiệp nói riêng và Chính phủ các nước nói chung cần thông qua những chính sách và bộ hệ thống quy tắc mới, nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu toàn cầu về cắt giảm lượng khí độc hại thải ra môi trường. Cụ thể, phía lãnh đạo cần đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng đối với các sản phẩm máy điều hòa không khí, cùng lúc các nhà sản xuất cần khẩn trương triển khai phương án phát triển những dòng máy điều hòa thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và tích cực tuyên truyền, giải thích cho khách hàng trước khi quyết định mua bất kỳ dòng sản phẩm nào.
Bên cạnh đó, việc làm mát quá mức tại các địa điểm công cộng như văn phòng, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim cũng là vấn đề cần được chú trọng giải quyết. Ông Tim Hill, giám đốc nghiên cứu của tạp chí Eco – Business nhấn mạnh, trong bối cảnh ô nhiễm do nguồn khi thải ra từ thiết bị làm mát đang diễn biến ngày càng phức tạp, việc tăng cường quảng cáo tính năng của hệ thống máy làm mát để thu hút khách hàng tại các địa điểm công cộng là hoàn toàn không cần thiết.
Một khi Chính phủ thực hiện chặt chẽ các quy định mang tính chất cảnh cáo hoặc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, kết quả nhìn thấy trong tương lai sẽ vô cùng khả quan.
Trong một dữ kiện khác có liên quan, ông Mark Radka – người đứng đầu chi nhánh năng lượng, khí hậu và công nghệ của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tại Paris khẳng định, “nhìn chung, đây là vấn đề cần được chung tay giải quyết bởi cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ. Nhiệm vụ chủ chốt của tất cả các bên là nỗ lực quản lý nhu cầu sử dụng điện tốt hơn, giảm phát thải, chất ô nhiễm và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nhà máy điện đốt than”.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ CNA)