Ruộng mía tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền đã đến thời kỳ thu hoạch đang chờ người mua
Giá “bèo”
Từ giữa năm 2017, giá mía đã xuống thấp và tình trạng này kéo dài cho đến đầu năm nay. Sau những đợt mưa rét liên tục, những ruộng mía bị chuột cắn phá khiến người trồng thiệt hại đáng kể.
Vụ mía này, ông Trương Diễn (thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), người có thâm niên hơn 20 năm trồng mía đưa vào canh tác 3 sào. Theo tính toán của ông Diễn, để trồng mía, ông thuê đất với giá 2 triệu đồng/sào/năm, đồng thời đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí hơn 4 triệu đồng/sào, thế nhưng vụ mía này năng suất tương đối thấp và rớt giá khiến thu nhập không được là bao.
Theo người trồng mía, so với các loại cây nông nghiệp khác, mía cho thu nhập cao hơn hẳn. Tùy theo chất đất, khí hậu ở mỗi địa phương mà người dân trồng những loại mía khác nhau.
Ngoài xã Quảng Phú là vựa mía lớn nhất tỉnh từ lâu nổi tiếng với giống mía Cẩm Tân, tại huyện miền núi Nam Đông người dân đưa vào trồng giống mía đỏ trên các vùng đất bồi ven sông suối, với thời gian sinh trưởng khoảng 10 tháng.
Ông Trương Được (thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú) cho biết: “Trước đây các giống mía tại địa phương được nhập từ Quảng Bình, Thanh Hóa, sau thời gian “đứng chân” trên đồng ruộng tại các địa phương, các giống mía này được lai tạo và hiện nay người trồng có thể tự cung cấp nguồn giống tại chỗ”.
Ông Được cho rằng, những năm trước mỗi sào mía cho thu nhập trên 15 triệu đồng, nhưng nay cao lắm chỉ chừng 9 triệu đồng/sào. Do mưa nhiều dài ngày, mía tại Thanh Hóa có chất lượng hơn nên thương lái nhập mía về khiến lượng mía tại địa phương khó tiêu thụ.
Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thông tin: “Từ giữa năm ngoái đến nay, giá mía xuống ở mức thấp khiến diện tích mía tại địa phương bị thu hẹp đáng kể. Trước đây địa phương có khoảng 60ha mía, bây giờ giảm xuống chỉ còn 27ha”.
Tìm đầu ra
Không như các vùng chuyên canh trồng mía lớn trong cả nước, hiện nay, mía tại Thừa Thiên Huế vẫn không có một đầu mối, doanh nghiệp lớn nào đứng ra thu mua cho người dân.
Thời điểm này, dọc theo con đường tại các ruộng mía tại huyện Quảng Điền, dễ dàng bắt gặp người dân mang mía ra chặt từng khúc để bán lẻ cho người đi đường với mức giá rất thấp.
Bà Hoàng Thị Hoa (xã Quảng Phú) buồn bã: “Gần 4 sào mía đang thu hoạch, mỗi sào khoảng 2.500 cây mía nhưng chưa thấy thương lái đến mua. Nếu không thu hoạch chuột sẽ phá hoại, thiệt hại càng lớn ”.
Theo các cơ quan chức năng, ảnh hưởng chung của thị trường trên cả nước và việc đầu mối tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế là nguyên nhân khiến giá mía ở địa phương ở mức thấp. Các vùng chuyên canh trồng mía lớn chủ yếu đưa vào trồng các giống chỉ dùng để ăn chứ không sản xuất đường khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng: “Mía cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, cung không có cầu dẫn đến rớt giá”.
Để giải quyết đầu ra của sản phẩm, các địa phương cũng có các giải pháp như, trồng mía trái vụ hay chọn thời điểm trồng sao cho khi thu hoạch đúng vào dịp nhu cầu thị trường cao.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Các giống mía được trồng tại địa phương không sản xuất đường nên hạn chế đầu ra. Xã Quảng Phú cũng đã triển khai trồng chuyên canh hơn 1ha mía trái vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường mùa nắng nóng. Song, diện tích này vẫn còn khá thấp. Thông thường mía trái vụ chất lượng không bằng mía chính vụ vì độ đường thường thấp”.
Tại huyện Nam Đông hiện có hơn 20ha mía tập trung tại xã Hương Lộc và thị trấn Khe Tre.
Ông Nguyễn Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Tre cho biết: “Để có đầu ra, người dân thường trồng mía sao cho khi thu hoạch đúng vào dịp các ngày lễ, tết hoặc nắng nóng. Lúc đó, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng. Tại địa phương, mía vụ này dự kiến sẽ cho thu hoạch vào ngày 26/3, lúc đó là dịp các hội trại diễn ra, mức độ tiêu thụ sẽ lớn hơn”.
Bài, ảnh: Lê Thọ