Dai dẳng
 
Tại các hội nghị về môi trường du lịch, các doanh nghiệp vẫn bức xúc về môi trường du lịch Huế, đặc biệt là vấn nạn ăn xin, chèo kéo, đeo bám, chặt chém du khách vẫn tái diễn tại các điểm tham quan. Một cuộc thị sát của cơ quan chức năng mới đây cho thấy, những người chụp ảnh dạo vẫn chèo kéo khách ở khu vực Đại Nội. Các chủ thuyền du lịch tập trung thành từng nhóm trên đường lên chùa Thiên Mụ để mời chào, tranh giành khách đi tham quan. Tại lăng Minh Mạng, các chủ quầy bán hàng tranh giành, chèo kéo khách mua hàng. Ở Tượng đài Quán Thế Âm, tình trạng ăn xin vẫn nhan nhản.
 
Một đoàn khách nước ngoài đến Huế
 
Chất lượng, trình độ, văn hóa ứng xử của một bộ phận hướng dẫn viên chưa cao, nhất là hướng dẫn viên tự do cũng là vấn đề nóng. Ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ cho biết, nhiều hướng dẫn viên nói tiếng Anh nhưng khách không hiểu. Lên xe là buôn chuyện điện thoại, ăn mặc không lịch sự, giới thiệu nhàm chán. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa hướng dẫn viên và lái xe cũng là một thực trạng ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Người muốn đỗ xe ở hàng quán này (là mối của mình để lấy tiền hoa hồng), người muốn đỗ chỗ khác gây phiền hà cho khách.
 
Sự dai dẳng của những vấn nạn này làm đau đầu các nhà quản lý và là đề tài nóng của nhiều cuộc họp bàn. Đây cũng là căn bệnh “trầm kha” của ngành du lịch. Trong khi chúng ta nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở các tỉnh thành và ở nước ngoài, thì một việc rất quan trọng là phải tạo ra một môi trường du lịch văn minh, lành mạnh để tạo cảm hứng, ấn tượng tốt với khách lại chưa làm được. Đã có nhiều cuộc ra quân chấn chỉnh nhưng sau một thời gian lắng xuống, tình trạng này lại bùng phát.
 
"Mỗi năm chỉ làm một việc"
 
Hiện nay, việc chấn chỉnh môi trường du lịch chưa được làm thường xuyên mà còn mang tính thời điểm. Vì thế, sau những đợt ra quân của lực lượng thanh tra liên ngành, mọi chuyện vẫn tái diễn. Theo ông Nguyễn Xuân Phương, cần duy trì thường xuyên và có sự phối hợp của các ngành, đoàn thanh niên, công an và chính quyền địa phương để giải quyết nạn chèo kéo và các tệ nạn khác tại các điểm du lịch.
 
Ông Lê Văn Quốc, Giám đốc Công ty Lữ hành Xanh Việt cho rằng: “Thời gian qua, tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh môi trường du lịch nhưng chưa được cải thiện. Theo tôi, mỗi năm chúng ta chỉ nên tập trung làm một việc chứ không nên dàn trải, làm một cách quyết liệt, rốt ráo. Ví dụ năm nay đưa ra mục tiêu giải quyết dứt điểm nạn chèo kéo khách, sang năm làm sạch rác…”.
 

Theo nhiều chuyên gia du lịch, vai trò của chính quyền các cấp rất lớn trong việc đưa ra các giải pháp quyết liệt, đủ mạnh. Hiện, một số địa phương đã làm rất tốt như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Đặc biệt, Sầm Sơn – một địa điểm có nhiều tai tiếng về nạn "chặt chém", gần đây cũng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa đã đích thân kiểm tra thực địa liên quan trật tự, mỹ quan đô thị và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các ban, ngành liên quan.
 
Đồng chí Ngô Hòa cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy còn rất nhiều vấn đề phải tập trung làm, làm một cách quyết liệt, đồng bộ từ xã, phường đến huyện, thị xã, thành phố và các ngành, các cấp. Sau buổi kiểm tra này, chúng tôi sẽ có kế hoạch chỉ đạo và bàn những biện pháp chế tài một cách quyết liệt đối với người vi phạm để chấn chỉnh nạn đeo bám, chặt chém du khách, chấn chỉnh mỹ quan đô thị, làm sạch môi trường du lịch”. Đồng chí chỉ đạo, năm nay, giao trách nhiệm UBND TP Huế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Thanh tra văn hóa và ngành công an phối hợp giải quyết dứt điểm nạn chèo kéo, đeo bám du khách ở các điểm di tích, nhất là các điểm nóng: Đại Nội, chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba, Tượng đài Quán Thế Âm và lăng Minh Mạng.
 
Theo đồng chí Ngô Hòa, tỉnh ta đang phấn đấu đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, phải xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, an toàn, để lại ấn tượng cho du khách, làm cho du khách đến Huế ngày càng đông. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch mà còn là lợi ích thiết thực của người dân khi kéo theo một loạt dịch vụ khác phát triển. “Chúng tôi mong và thiết tha kêu gọi người dân hãy ý thức tự giác. Dù chính quyền làm nhưng người dân thờ ơ thì hiệu quả sẽ không cao. Lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước phải gắn với nhau. Chúng ta phải vì lợi ích lâu dài, bền vững chứ không phải là nhất thời trước mắt. Chiến lược lâu dài là mục tiêu mà chúng ta hướng đến cho sự phát triển của du lịch Huế”, đồng chí Ngô Hòa trăn trở.
Minh Hiền