Tại Sochi –Nga, Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã bắt đầu, các hoạt động cơ bản được lên kế hoạch vào hôm nay (30/1).  Tham gia vào các hoạt động này có hơn 15.000 người, đại diện cho các nhóm khác nhau của Syria. Đại hội này là sự tiếp tục thực hiện chính sách của Moscow về tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng ở Syria.

Binh sĩ Syria ăn mừng sau một chiến dịch quân sự thành công nhờ sự yểm trợ của Không quân Nga. Ảnh: Reuters
Từ lúc bắt đầu xung đột vũ trang ở Syria vào tháng 3/2011, Nga đã tìm kiếm giải pháp chính trị để ngừng nội chiến, chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột.

Moscow cho rằng, người đứng đầu Syria ông Bashar al-Assad là Tổng thống được bầu hợp pháp của nước này, số phận chính trị của ông cần do chính người dân Syria quyết định.

Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ từ lúc bắt đầu đối đầu quân sự ở Syria đã ủng hộ đề nghị của phe đối lập về thay đổi chế độ và sự ra đi của ông Bashar al-Assad. 

Nga đã tích cực tham gia vào việc chuẩn bị và tiến hành các hội nghị quốc tế về Syria ở Geneva (tháng 6/2012 và tháng 1/2014), diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Kết quả chính của các cuộc gặp là thông qua thông cáo, trong đó đã đề ra những nguyên tắc cơ bản giải quyết xung đột-đó là thành lập Chính phủ chuyển tiếp, bao gồm các thành viên Chính phủ và phía đối lập, bàn định lại Hiến pháp Syria, tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội. Trong nội dung của nghị quyết này không đòi hỏi sự ra đi ngay lập tức của ông Bashar al-Assad. 

Trong lúc đó, các nước phương Tây đã tiếp tục gây áp lực lên chế độ của Syria và buộc tội ông Bashar al-Assad về leo thang nội chiến. Nga là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ngăn chặn ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 11 dự thảo nghị quyết liên quan đến tình hình Syria.

Lần đầu tiên Moscow phủ quyết dự thảo nghị quyết ngày 4/10/2011, xem xét khả năng tiến hành các trừng phạt liên quan đến Syria, nếu chính quyền nước này trong vòng 30 ngày không chấm dứt những hành vi bạo lực.

Trong số các nghị quyết đã bị ngăn chặn có nghị quyết ngày 28/2/2017, xem xét tiến hành các lệnh trừng phạt Syria sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Chính phủ Syria bị cáo buộc đã tiến hành nhằm vào dân thường. Nghị quyết đã cấm việc cung cấp máy bay trực thăng cho quân Chính phủ Syria. 

Tháng 8/2013 những nỗ lực ngoại giao của Nga đã giúp giải quyết thành công cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta (vùng ngoại ô Damascus). Lúc đó các nước phương Tây đã đổ lỗi cho những gì xảy ra đối với chế độ của ông Bashar al-Assad.

Tổng thống Mỹ Barak Obama khi đó đã tuyên bố, rằng việc Syria dùng vũ khí hóa học được Washington coi như đã vượt qua “ranh giới đỏ”, sau đó cộng đồng quốc tế buộc phải áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến Syria. Nga đã đưa ra kế hoạch xóa bỏ vũ khí hóa học ở Syria và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền nước này.

Ngày 10/9/2013 theo kết quả hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Syria Valid Muallem tại Mowcow, 2 bên đã nhất trí đặt toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế.

Ngày 14/9/2013 tại Geneva, theo kết quả hội đàm của ngoại trưởng Nga Lavrov và ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một thỏa thuận khung về việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đã được soạn thảo.

Nga đã tham gia đảm bảo an ninh của tiến trình tiêu hủy và chuyển khoản số tiền 2 tỷ USD vào quỹ ủy thác của Liên Hợp Quốc để tài trợ cho hoạt động trung hòa các hóa chất. Ngày 4/1/2016 Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học khẳng định đã kết thúc tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria. 

Với sự tham gia tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria ở cấp độ Liên Hợp Quốc, Nga đã tiến hành các cuộc hội đàm trực tiếp với chính quyền chính thức của Syria, cũng như với đại diện phe đối lập ở trong và ngoài nước.

Cũng theo sáng kiến của Nga, trong thời gian từ ngày 26-29/1 và 6-9/4/2015 tại Moscow đã diễn ra hai vòng tham vấn về Syria. Các cuộc tham vấn đã kết thúc bằng việc thông qua các văn kiện chính trị, trong đó đề ra các nguyên tắc giải quyết xung đột.

Trong số đó những luận điểm được gọi là “nền tảng Moscow”, khẳng định sự tuân thủ của các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trên cơ sở thông cáo Geneva từ 30/6/2012 và kêu gọi cộng đồng thế giới ngừng mọi hành động ủng hộ những kẻ khủng bố. Sự trợ giúp quân sự của Nga có ý nghĩa then chốt để thay đổi tương quan cân bằng quân sự ủng hộ quân đội Chính phủ trong cuộc chiến với các tay súng IS.

Chiến dịch của lực lượng Không quân Nga đã bắt đầu vào 30/9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria. Nhờ sự giúp đỡ của Nga từ đầu năm 2015, quân đội Syria đã tiêu diệt được hơn 54.000 tay súng và những kẻ khủng bố, trong vòng 7 tháng (từ tháng 6-12/2017) đã giải phóng được 67.000km2 lãnh thổ Syria, hơn 1.000 điểm dân cư, 78 mỏ dầu khí, hai mỏ quặng photphat.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Syria và phe đối lập ngày 30/12/2016 đã ký hiệp định ngừng chiến trên toàn lãnh thổ Syria (trung gian trong các cuộc hội đàm này là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ).

Bên cạnh các cuộc hội đàm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Iran cũng đã khởi động hàng loạt các cuộc tham vấn về Syria ở Astana với mục đích là ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn.

Tháng 5/2017 tại Astana, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký ghi nhớ về thành lập các vùng giảm căng thẳng. Theo đó đến tháng 1/2017 hình thành được 4 vùng giảm căng thẳng ở Tây-Nam, Tây-Bắc, ngoại ô Damascus-Đông Ghouta và Bắc Homs cũng như vùng an toàn Tel-Rifiat ở phía Bắc Aleppo.

Nhờ những nỗ lực chính trị-ngoại giao, Nga đã giúp đỡ cho người dân bị thiệt hại do cuộc xung đột kéo dài thông qua Nhà thờ Chính thống giáo phương Đông ở Nga, Quỹ mang tên Andrei Pervozvanyi, Hội Palestine chính thống của Chính phủ và các tổ chức khác.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, từ đầu cuộc xung đột Syria đến nay, đã có ít nhất 500.000 người thiệt mạng, 6,5 triệu người phải đi sơ tán, số người phải đi tị nạn lên đến 4,7 triệu. Tổn thất từ chiến tranh ở Syria được đánh giá cỡ 400 tỷ USD.

Theo VOV