Sâu sát

Thôn Paring, xã Hồng Hạ có 86 hộ. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, gần 40%. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, chi bộ thôn tích cực vận động Nhân dân phát huy lợi thế về trồng rừng kinh tế và chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Du khách tại điểm du lịch cộng đồng ở xã Hồng Hạ

Hộ chị Lê Thị Mới là điển hình thoát nghèo bền vững. Chị Mới tâm sự: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, thuộc diện khó khăn. Được thôn vận động tham gia tập huấn kỹ thuật trồng rừng, chăn nuôi heo, bò, dê và hỗ trợ cây, con giống, vốn vay để phát triển sản xuất, tôi mạnh dạn vay 15 triệu đồng qua kênh Hội Nông dân đầu tư trồng rừng, chăn nuôi. Đến nay, tôi đã trồng được10ha rừng, nuôi 10 con bò, 8 con dê…”.

Qua các đợt sinh hoạt do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức, từ kiến thức tích lũy được, chị Mới còn mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh tại nhà. “Gia đình tôi có nhà cửa khang trang, nuôi con học đại học được như hôm nay là nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ, tư vấn, vận động kịp thời, đúng lúc” – chị Mới nói.

Ở thôn Paring còn nhiều gia đình có thu nhập cao như chị Đinh Thị Lan, có hơn 20ha rừng trồng, đồng thời sắm xe tải kinh doanh thêm nghề thu mua gỗ tràm, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Hộ anh Ra Pát Trần vừa kết hợp chăn nuôi gia súc và trồng 7-8 ha rừng, mỗi năm có thu nhập trên 120 triệu đồng. Ông Hồ Thanh Lê, Trưởng thôn Paring thông tin: Hiện trong thôn có gần 20 hộ trồng rừng và chăn nuôi cho thu nhập mỗi năm 70-80 triệu đồng trở lên. Nhờ kinh tế hộ phát triển, thôn bây giờ chỉ còn 20 hộ nghèo.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Paring Hồ Minh Giới, để thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, các đảng viên và chi ủy viên được phân công bám sát dân tìm hiểu những khó khăn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con, đồng thời khảo sát về kiến thức, tay nghề và nguồn vốn đầu tư của bà con để có biện pháp giúp mô hình áp dụng đạt hiệu quả. Mỗi đảng viên được phân công phụ trách nhóm dân cư từ 3 đến 5 hộ kịp thời vận động, tư vấn các hộ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất sau khi thu hoạch rừng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập...

Thành quả

Sau khi chuẩn nghèo áp dụng theo quy định mới với hướng tiếp cận đa chiều từ năm 2016, Hồng Hạ có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,5% trên tổng số 447 hộ. Với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương cho biết: Thực hiện chủ trương về giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung các giải pháp khắc phục hạn chế về vốn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, phát huy lợi thế của địa phương là trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc gồm: bò, dê, heo và kinh doanh dịch vụ phục vụ điểm du lịch sinh thái nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với 116 đảng viên, sinh hoạt tại 9 chi bộ (trong đó có 5 chi bộ thôn), Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy chi bộ tăng cường sinh hoạt chuyên đề, phân công đảng viên phụ trách nhóm dân cư, lấy ý kiến của tập thể, cá nhân về quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Từ đó, các cấp ủy Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, có giải pháp lãnh đạo phù hợp đối với từng địa bàn.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, Đảng ủy Hồng Hạ đã lãnh đạo Mặt trận, các đoàn thể phối hợp hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối các nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề cho người nghèo, xây dựng thí điểm mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để nhân rộng. Cấp uỷ, chính quyền xã chủ động trong việc tổ chức thực hiện chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, điều tra, khảo sát nhu cầu chuyển đổi sản xuất của bà con và liên kết xây dựng mô hình về khuyến nông, khuyến lâm phù hợp. Qua đó, đã giúp người dân có nhiều mô hình làm ăn mới hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định. Với các giải pháp đồng bộ, từ con số 35,5% tỷ lệ hộ nghèo năm 2016, đến nay Hồng Hạ giảm hộ nghèo xuống còn 23%, trở thành một trong 4 xã của A Lưới thoát khỏi danh sách 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.

Bí thư Huyện uỷ A Lưới Nguyễn Thị Sửu khẳng định: Các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hồng Hạ đã kịp thời cụ thể hoá chương trình giảm nghèo bền vững của huyện sát hợp với tình hình thực tế, huy động tối đa tiềm lực trong dân và các thành phần kinh tế để phát triển rừng, chăn nuôi, hình thành các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho bà con.

Huyện A Lưới sẽ có chủ trương, chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn nhằm góp phần mở lối giúp các địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững hiệu qủa.

Bài, ảnh: Bá Trí