Là vùng đất ven biển có nhiều đầm, phá phù hợp với điều kiện phát triển của rau câu, loài cây này gắn liền cuộc sống của người dân xã Phú An. Khi chưa hiểu hết giá trị của nó, người dân ăn không hết thì làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Sau này, từ sự hiếu kỳ của một vài người sành ăn, các món như rau câu luộc, rau câu hấp dần dần được chế biến cầu kỳ hơn thành rau câu trộn, rau câu nấu thạch… Giờ rau câu là loại nguyên liệu để các chị, các mệ nơi đây khám phá ra nhiều món ăn độc đáo vào dịp tết.

Rau câu mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân Phú An

Mệ Đoàn Thị Tranh, 65 tuổi, ở thôn An Truyền nhớ lại: “Hồi nớ, nhà mô đông con thì lâu lâu mới nấu thạch một lần. Rau câu không thiếu, nhưng đường thì không rẻ như chừ, mà làm thạch truyền thống mất nhiều thời gian lắm, phải phơi đủ 2 nắng 1 sương thì rau câu sẽ có màu tim tím rất đẹp. Là loại cây sống dưới đầm phá nên rau câu phải rửa thật kỹ để loại hết rong rêu và ốc… bám vào. Khi nấu, đổ nước bằng với mặt rau câu, đun sôi đi sôi lại nhiều lần rồi vớt ra vắt kỹ bằng lưới hoặc vải mỏng khi nước chưa đông thành thạch. Đó là chưa nói đến khâu chế biến nước đường cho phù hợp để ăn với rau câu. Người dân quê tối ngày phải nghĩ chuyện ruộng nương, có mô ăn cầu kỳ rứa”.

Văn hóa ẩm thực ngày một nâng tầm, giá trị dinh dưỡng của rau câu được đánh giá cao, những nguyên liệu chế biến thức ăn từ thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong các thực đơn. Người dân Phú An cũng từ đó, biết trân quý hơn loài cây mà thiên nhiên ban tặng cho họ để tạo nên những nét riêng cho ẩm thực vùng ven biển.

Ông Châu Đức Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Phú An cho biết: “Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, rau câu ở đây cứ mọc tầng tầng lớp lớp dưới đầm phá. Trước đây, nhà nào chịu khó thì vớt về phơi khô để dự trữ làm thức ăn nuôi trồng thủy sản; còn bây giờ, vào nhà hàng một đĩa rau câu luộc chấm ruốc cũng được xem  là món ăn đặc sản. Người dân Phú An giờ cũng dự trữ rau câu, nhưng để chế biến nhiều món ngon lạ miệng trong ngày tết”.

Vào vụ, mỗi người dân Phú An có thể thu hái được từ 50kg đến 1 tạ rau câu từ đầm phá, với giá rau câu tươi chưa thành phẩm khoảng 3 nghìn đồng/1kg, thu nhập mỗi ngày từ 150 đến 300 nghìn đồng/người. Nếu sơ chế, chế biến thành sản phẩm sạch thì giá thành cao hơn rất nhiều. Ở siêu thị hay các cửa hàng có thể bán với giá 300 nghìn đồng/kg rau câu khô, giúp chị em phụ nữ có thêm việc làm tăng thêm thu nhập.

Chị Huỳnh Thị Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú An tự hào: “Lợi ích và sự phong phú trong kỹ thuật chế biến rau câu thì nói không hết, rau câu có thể trở thành một vườn hoa khoe sắc trên bàn tiệc. Để có món ăn vừa đẹp mắt, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đòi hỏi người chế biến dày công nghiên cứu; phải thả hồn vào mới tạo ra được những sản phẩm trở thành đặc sản quê hương và góp phần nâng tầm giá trị nguyên liệu tự nhiên ở Phú An”.

Hội LHPN xã Phú An đã có một bộ sưu tập các món ăn được chế biến từ rau câu cho những ngày tết. Tuy chưa nhiều, nhưng cũng tạo được nét riêng của vùng miền; trong đó, trong đó vấn đề ATVSTP được đặt lên hàng đầu.

Để giữ được sự quyến rũ của các món chè, bánh đông sương… mà không cần sự trợ lực của các loại phẩm màu, các hội viên Hội LHPN xã Phú An đã nghiên cứu để tận dụng nguyên liệu địa phương hoặc những loại cây trái dễ mua trên thị trường nhằm tạo màu, như: màu vàng từ cam tươi, màu xanh từ lá dứa, màu tím từ bắp su, màu hồng từ thanh long, bột ca cao, cà phê cho màu nâu… Cùng với đó, hương vị có được trong sản phẩm khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên cũng rất quyến rũ.

Sau khi đã lọc kỹ nước rau câu, nấu sôi lại với đường trắng và các loại nước tạo màu làm bằng nguyên liệu thiên nhiên như đã nói trên. Mỗi lớp màu phải làm thành từng mẻ riêng biệt, muốn chồng lớp sau lên phải để lớp trước thật nguội mới giữ được màu như ý muốn.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, ngày nay dễ dàng tìm thấy những loại khuôn đúc rau câu có hình các loại hoa, thú, hoặc chữ phù hợp ý nghĩa ngày lễ, tết. Thạch rau câu bảo quản trong tủ lạnh có thể sử dụng được nhiều ngày. Món ăn này được người dân Phú An thay thế cho các loại mứt, bánh khác để mời khách những ngày tết.

Ông Đặng Thương, 52 tuổi, ở thôn Định Cư, cười: “Mấy món rau câu trộn, rau câu luộc ngó rứa chứ mà thường làm gia chủ hao bia, rượu lắm. Nhất là khách ở xa tới thăm tết, ai cũng thích”.

Rau câu có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, như bổ mát, nhuận tràng, chống bốc nóng lên trên đầu. Chất lignan trong rau câu có khả năng ức chế sự hình thành của các khối u, hạn chế các tế bào ung thư vào máu và di căn ung thư trên các phần khác của cơ thể. Nguồn i-ốt dồi dào trong loại cây này ngăn ngừa các bệnh bướu cổ. Rau câu có khả năng tiết ra chất nhầy, bảo vệ thành ruột, tốt cho hệ tiêu hóa và còn có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch, axit folic có thể ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh, kể cả bệnh bại liệt ở trẻ em và giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa ở da.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN