Vi khuẩn kháng kháng sinh được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Wikipedia

Các bệnh nhiễm trùng phổ biến

Tiến sĩ Marc Sprenger, Giám đốc Chương trình chống vi khuẩn kháng thuốc của WHO cho biết trong một bài phát biểu tại lễ ra mắt Hệ thống Giám sát Kháng Kháng sinh Toàn cầu (GLASS): "Báo cáo này khẳng định tình hình nghiêm trọng của vấn đề kháng kháng sinh trên toàn thế giới”.

Những vi khuẩn kháng thuốc phổ biến nhất là Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumonia, tiếp đó là Salmonella spp.

Mặc dù hệ thống này không bao gồm dữ liệu về sự kháng thuốc của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao, WHO đã tiến hành theo dõi và cung cấp thông tin cập nhật hàng năm về nó kể từ năm 1994, trong báo cáo về bệnh lao toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong số những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng máu, tỷ lệ vi khuẩn kháng với ít nhất một trong số các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất dao động từ 0-82%, giữa các quốc gia khác nhau.

Khả năng kháng thuốc penicillin, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để điều trị bệnh viêm phổi, dao động từ mức 0-51% trong số các quốc gia báo cáo.

Tiến sĩ Sprenger lưu ý: "Một số bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất và có khả năng nguy hiểm nhất trên thế giới đang chứng tỏ khả năng kháng thuốc. Điều đáng lo ngại nhất là các mầm bệnh vượt biên giới quốc gia".

Dùng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh

Cho đến nay, 25 quốc gia có thu nhập cao, 20 quốc gia thu nhập trung bình và 7 quốc gia có thu nhập thấp đang tham gia vào Hệ thống Giám sát Kháng Kháng sinh Toàn cầu (GLASS) của WHO. Trong báo cáo đầu tiên của GLASS, 40 quốc gia đã cung cấp thông tin về hệ thống giám sát quốc gia, với 22 quốc gia cung cấp số liệu về mức độ kháng thuốc.

Tiến sĩ Sprenger khẳng định: "WHO đang khuyến khích tất cả các quốc gia thành lập hệ thống giám sát tốt để phát hiện tình trạng kháng thuốc, có thể cung cấp dữ liệu cho hệ thống toàn cầu này”.

Tuy nhiên, chất lượng và tính đầy đủ của dữ liệu trong báo cáo đầu tiên của GLASS rất khác nhau. Một số quốc gia phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc xây dựng hệ thống giám sát quốc gia, bao gồm thiếu nhân sự, ngân sách và cơ sở hạ tầng.

"Báo cáo là bước đầu tiên quan trọng hướng tới việc nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về mức độ kháng kháng sinh”, Tiến sĩ Carmem Pessoa-Silva, Điều phối viên Chương trình Kháng kháng sinh tại WHO nói thêm.

WHO đang hỗ trợ các quốc gia thành lập hệ thống giám sát kháng kháng sinh để tạo ra các dữ liệu đáng tin cậy, có ý nghĩa, với GLASS giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu để có một bức tranh toàn cảnh hơn về các kiểu và xu hướng kháng kháng sinh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News & Sputniknews)