Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ, năm nay, khoảng 71.000 gia đình thuộc diện có công trên toàn quốc có nhà ở bị hư hỏng, dột nát sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và các gia đình chính sách.

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho hay căn cứ vào giá thành xây dựng nhà ở hiện hành, 40 triệu đồng đối với trường hợp xây mới hoặc 20 triệu đồng trong điều kiện sửa chữa, các hộ dân có được nhà ở với diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, bảo đảm ba cứng (nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng). Còn việc huy động thêm vốn từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ nhằm nâng cao hơn về diện tích, chất lượng và tiện nghi nhà ở của người có công. Theo đánh giá của nhiều người, với mức hỗ trợ như trên của Nhà nước và sự hỗ trợ đóng góp từ nhiều nguồn lực khác, đây là cơ hội rất tốt, niềm vui lớn lao đối với người có công và các gia đình chính sách đang thực sự khó khăn về nhà ở.

Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Dũng, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ người có công trên địa bàn tỉnh cho biết, Thừa Thiên Huế còn 2.238 trường hợp người có công khó khăn về nhà (502 hộ cần xây mới và 1.736 hộ cần sửa chữa). Vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức hội nghị triển khai, thành lập Ban chỉ đạo các cấp. Do thời gian triển khai gấp rút, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Huế, các thị xã và các huyện triển khai theo thời gian, tiến độ quy định để kịp thời có số liệu phê duyệt, lập đề án đăng ký nguồn vốn trước 31/8.

Sau khi nhận được vốn, các địa phương phải triển khai ngay việc thực hiện trong tháng 9 và cố gắng hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình người có công được hỗ trợ trong tháng 11 sắp đến. 

Vĩnh Cự