Theo ông Thứ, sau khi được người chú là ông Nguyễn Văn Khương trú tại thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương cho đất làm và hoàn thành ngôi nhà, ông làm thủ tục xin cấp điện, nước. Đại diện hai cơ quan này yêu cầu giấy xác nhận của UBND xã với nội dung ông Thứ đã có nhà ở địa phương. Ông Thứ nhiều lần đến UBND xã nộp đơn xin xác nhận, được cán bộ địa chính nhận đơn, thậm chí đã viết phía sau đơn “Ông Nguyễn Văn Thứ sinh năm 1964 hiện ở tại thôn Vĩnh Lưu, đã có nhà và làm trên thửa đất số 97, tờ bản đồ địa chính số 14, diện tích 1.781 m2. Đất do ông Nguyễn Văn Khương kê khai”. Tuy nhiên, xác nhận này không có chữ ký và đóng dấu nên nhà ông Thứ đến nay vẫn chưa “bắc” được điện (đơn vị cấp nước đã linh động “bắc” nước cho ông Thứ).
 
Nhà ông Thứ làm xong đã hoàn thiện hệ thống điện, nhưng chưa được cung cấp điện
 
Vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, cán bộ địa chính xã (được ủy quyền của Chủ tịch UBND xã) nói: điều kiện để được cấp điện là người đó phải có hộ khẩu, trong khi ông Thứ chưa có hộ khẩu ở địa phương. Đã có vài trường hợp tương tự như trường hợp ông Thứ, xã xác nhận có nhà ở địa phương rồi, nhưng do chưa có hộ khẩu nên hồ sơ “bắc” điện bị trả lại. Do đó, xã mới không xác nhận và đã tư vấn cho ông Thứ nhờ người thân (đang có hộ khẩu ở địa phương) đứng tên để “bắc” điện, chứ không phải xã gây khó khăn cho người dân.
 
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi (có mặt cán bộ xã), ông Trần Thanh Huế, Tổ trưởng đại lý điện của Điện lực Phú Vang (thuộc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) cho biết: Người có nhu cầu được cung cấp điện không cần phải có hộ khẩu, mà chỉ cần UBND xã xác nhận người đó có nhà tại địa phương là được cung cấp điện. Căn cứ những điều kiện của cơ quan điện lực yêu cầu và thực tế ông Nguyễn Văn Thứ đã có nhà tại thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, đề nghị UBND xã xác nhận nội dung nói trên để ông Thứ được “nhà điện” cung cấp điện.  

 

Bài và ảnh: Quỳnh Anh