Ông Nguyễn Phúc Anh (bên trái) - con trai ông Bửu Ba nói về những kỷ vật của cha mình Ảnh: Anh Phong

Ông là một đảng viên đầu tiên khi Đảng bộ tỉnh thành lập và là một người xuất thân từ Hoàng tộc. Cuốn Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế tập I (1930-1954) do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995 cho biết: “Đầu năm 1930, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản liên đoàn được thành lập ở Huế và đã xây dựng được một số cơ sở, trong đó có Chi bộ An Cựu được thành lập gồm các đồng chí: Bửu Ba, Đặng Sĩ Khả, Tôn Thất Nho, Trương Chung, đồng chí Bửu Ba được cử làm bí thư chi bộ”.

Cũng theo Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế tập I, tháng 4/1930, hai tổ chức Cộng sản ở Thừa Thiên Huế là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn được hợp nhất thành Đảng bộ Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Đúng vào ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5/1930, “cờ đỏ búa liềm đồng loạt xuất hiện trên các đường phố: Pôn-be (Paul-Bert), đường Gia Long, trại lính Cuốc-xy, trước cổng tòa Khâm sứ, ga Huế, Trường Quốc Học, đình làng An Cựu, trên các cửa An Hòa, Thượng Tứ”. Và thật xúc động biết bao, người cắm lá cờ đỏ búa liềm trên đình làng An Cựu năm 1930 chính là ông Nguyễn Phúc Ba.

Trong câu chuyện kể đầu xuân Giáp Thân 2004, ông Bửu Ba cho biết, ông được phân công thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy khi mới 17 tuổi. Kẻ địch nghi ông, tuy không có chứng cứ nhưng chúng vẫn bắt giam ông. Trong lao tù, ông đã làm thơ tỏ rõ khí phách của người chiến sĩ Cộng sản. Ông đã đọc cho chúng tôi nghe hàng chục bài thơ. Báo Thừa Thiên Huế đã có lần giới thiệu những bài thơ của những người chiến sĩ Cách mạng Việt Nam trong lao tù, trong đó có ông.

Cuối năm 1932, ông Nguyễn Phúc Ba ra tù nhưng vẫn bị quản thúc theo dõi nên bị mất liên lạc với tổ chức Đảng. Hoài bão duy nhất của ông trong thời điểm này là được hoạt động cách mạng. Tuy chưa liên lạc được với tổ chức Đảng, nhưng ông vẫn tìm cách tuyên truyền cách mạng trong các trại lính, trường học, làm vè kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về với dân tộc.

Ngày 3/5/1945, ông đã liên hệ được với tổ chức Đảng, trong đó có đồng chí Lê Trọng Bật và được giao nhiệm vụ rải truyền đơn của Việt Minh trên địa bàn TP. Huế. Ông Nguyễn Phúc Ba bỏ lại hai rẫy sắn khoai ở Phong Điền để trở về Huế hoạt động. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông cùng với các đồng chí Lê Quang Thiết, Lê Trọng Bật tổ chức giành chính quyền huyện Hương Thủy. Ngày 19/9/1946, ông Nguyễn Phúc Ba được kết nạp vào Đảng lần thứ 2.

Tháng 5/1947, sau khi tiêu diệt được tên ác ôn khét tiếng, không thể ở lại địa bàn hoạt động được, với chiếc xuồng câu bé nhỏ, ông đã đi dọc phá Tam Giang rồi lên vùng rẫy năm xưa ở Phong Điền. Trong một trận địch lùng, trước mũi súng của một tên lính Pháp uy hiếp hai o cháu, ông Nguyễn Phúc Ba đá văng khẩu súng trong tay giặc rồi chạy thoát. Câu chuyện ông Ba quyết tử với giặc được bà con truyền miệng khắp xóm làng. Sau đó, ông được huyện Phong Điền bố trí làm công tác thông tin tuyên truyền; tiếp đó ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1961, ông Nguyễn Phúc Ba chuyển ngành về Ty Văn hóa Quảng Bình. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn say mê với công tác xã hội.

Trong lần gặp ấy, khi chúng tôi hỏi về Chi bộ An Cựu, ông nói rằng, ông được ông Đặng Sỹ Khả giác ngộ cách mạng. Con trai, con dâu ông cho biết, ông vẫn thường đọc thơ của mình cho đồng đội, bạn bè đến thăm và cũng có khi tự đọc cho mình nghe. Những bài thơ dạt dào niềm tin vào lý tưởng Cộng sản mà thế hệ ông đã được giác ngộ và đem cả sức lực, tính mạng, trí tuệ để phụng sự.

Một khổ thơ mà ông đã từng làm trong lao tù Thừa Phủ:

Giữ lòng bác ái yêu nhân loại

Nuôi chí căm thù chống thực dân

Ngậm đắng cho qua cơn vận bỉ

Đấu tranh rồi có bước thanh tân.

Trong căn nhà nhỏ, anh Nguyễn Phúc Anh, con trai ông giúp ông tìm những bài thơ tâm huyết trong các cuốn sổ chép các bài thơ của ông sáng tác. Anh Nguyễn Phúc Anh cho biết: “Ông rất yêu thơ và luôn cất giữ các tập thơ này. Ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ. Ông còn có năng khiếu hội họa”.

Cuộc đời người đảng viên Nguyễn Phúc Ba thật đáng tự hào. Một người xuất thân từ Hoàng tộc đã trở thành một người đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Qua bao gian nan thử thách, ông đã sống trọn đời cho lý tưởng mà mình đã chọn.

Minh Khiêm