Những công nhân nữ trong các xưởng may. Tuổi thanh xuân của họ đã dành trọn trong công xưởng với nhiều khó khăn và một tương lai đầy bất trắc. Cứ tưởng tượng một bữa ăn 12.000 đồng nhưng nó phải gánh đến đủ loại chi phí điện, nước, công, lợi nhuận... Cho nên, câu hỏi của người “nhạy cảm” nói trên là một câu hỏi hay. Nó sát sườn với mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta không để ý.

Dạo này trên đường Đống Đa (TP. Huế) mỗi sáng tấp nập xe đưa đón công nhân. Các hàng quán nhỏ trong khu vực cũng trở nên nhộn nhịp. Đúng là cuộc sống tự bản thân nó đã sinh ra cái “cơ chế” tự điều chỉnh đến tuyệt vời. Anh nghèo á! Sẽ có quán nghèo phục vụ anh. Nó tự điều chỉnh đến “sít sao” túi tiền của mỗi người. Có vẻ như không ai được, mất. Chúng ta cùng sống và cùng cộng sinh tồn tại. Còn nhìn ở khía cạnh kinh tế, người ta nói rằng đó là biểu hiện của quy luật cung - cầu. Nhưng nhìn về mặt xã hội, tôi nghĩ rằng đó là ý nghĩa nhân văn của cuộc sống. 

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có những nơi đến 75 -80% lao động nữ trong các xưởng may tuổi từ 35 - 40 có nguy cơ mất việc làm. Do những áp lực trong công việc mà tự bỏ việc và cũng do các “ông chủ” tạo áp lực để người lao động tự bỏ việc. Một bộ chuyên trách về công việc lao động đã nói như vậy chắc hẳn là có cơ sở. Vấn đề là giải quyết thỏa đáng tình trạng này không hề là điều dễ dàng. Ngành may mặc đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Hầu như bất kỳ ai cũng có thể tham gia thị trường này được vì đó là một công việc mà người ta thường gọi là lao động giản đơn. Những thanh niên học hành dở dang, và thậm chí có học hành tử tế, tốt nghiệp đại học; những thanh niên nông thôn bám vào đồng ruộng – một ngành đưa lại tỷ suất lợi nhuận quá thấp và chứa nhiều rủi ro…  Nền kinh tế đang ở những nấc thang thấp của chuỗi kinh tế toàn cầu, nên trong hiện tại, ngành dệt may đã mở ra cho họ cơ hội việc làm, thu nhập. Nhưng trong tương lai, chúng ta có thể hình dung sẽ có nhiều xáo trộn về mặt xã hội.

Nghĩ đến điều này là vì Huế đã và đang hình thành trung tâm dệt may với hàng chục nhà máy. Một nguồn lao động rất lớn, nhất là lao động trẻ ở khu vực nông thôn sẵn sàng cung ứng. Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ không phải là ngoại lệ, trong tương lai 10 - 15 năm đến, thị trường lao động sẽ đón nhận nhiều người trong độ tuổi 35–40 có thể gia nhập vào thị trường lao động tự do. Đồng lương của người công nhân dệt may được trả trong hiện tại không cao, cùng với những chi phí cao cho y tế, giáo dục… chắc chắn sự tích lũy của người lao động sẽ rất thấp khi họ dần lớn tuổi.

Cứ giả sử, những đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ là một thực tế diễn ra ở Thừa Thiên Huế thì tương lai, lao động tự do ở tỉnh ta sẽ tăng lên. Cuộc sống của người lao động sẽ ẩn chứa nhiều sự bấp bênh… là điều có thể nhìn thấy.

Nói như thế không phải phủ nhận những gì mà ngành dệt may đóng góp trong hiện tại cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng những khó khăn có thể diễn ra trong tương lai là điều cần nhận biết, phân tích và có giải pháp. Làm thế nào để người lao động có khả năng thay đổi, thích ứng với những điều kiện chuyển đổi môi trường làm việc là điều chúng ta cần nghĩ đến. Điều này một mình người lao động không thể giải quyết được.

NGUYÊN LÊ