Gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều khu vực bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, một số địa phương như Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà… và ngành lâm nghiệp đã có nhiều biện pháp nhằm giảm tác động của xâm nhập mặn. Trong đó, việc tăng cường trồng rừng ngập mặn được chú trọng.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với nhiều địa phương tổ chức trồng hàng chục ngàn cây bần chua, mắm, đước, dừa nước tại các khu bảo vệ thuỷ sản ở thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Bình, ven đầm Lập An của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc); Quảng Lợi (Quảng Điền), Hương Phong (Hương Trà) và rải rác một số khu vực nằm ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Việc trồng và phát triển thêm các diện tích rừng ngập mặn góp phần tạo các vành đai xanh bảo vệ vùng ven đầm phá và bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Sau thời gian diện tích rừng ngập mặn phát triển, nhiều khu vực canh tác nuôi trồng thủy sản và mặt nước tự nhiên đã trở thành nơi cư trú, sinh sản của nhiều loại thủy sản như cua, cá, giúp làm giàu thêm nguồn lợi thủy sản ở nhiều vùng đất ngập nước.
Kiểm tra độ tăng trưởng của rừng ngập mặn được trồng tại Lăng Cô
Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, trước đây, nhiều nơi có những bãi triều rộng đến vài trăm ha có thảm thực vật ngập mặn phát triển, nhưng do tác động của con người, nuôi trồng thủy sản, thiên tai… nên suy thoái nghiêm trọng.
Nhận thấy việc trồng rừng ngập mặn ở vùng ven đầm phá không chỉ góp phần vào việc điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng đất ven biển, đầm phá mà còn giúp tích lũy phù sa, tạo điều kiện phát triển sinh kế. Do đó, ngành lâm nghiệp, các chương trình dự án về môi trường cũng như chính quyền, người dân địa phương đã ý thức được tầm quan trọng của cây ngập mặn và tích cực hưởng ứng, hỗ trợ hoạt động này trong thời gian qua.
Tiếp tục dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2015- 2020 do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều diện tích rừng ngập mặn được mở rộng, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn được trồng mới trên toàn tỉnh lên khoảng 300ha.
Để phục vụ cây giống ngập mặn đạt tiêu chuẩn, thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh đã nghiên cứu và sản xuất thành công hơn 30 nghìn cây các loài như: đước, vẹt, bần, sú, mắm…, đảm bảo thích nghi, có tỷ lệ sống cao với môi trường vùng ven biển, đầm phá của tỉnh.
Mùa trồng cây, trồng rừng mới sắp vào vụ, kế hoạch trong năm mới này, ngoài tập trung trồng rừng, cây phân tán trên cạn, cây ngập mặn, các địa phương chú trọng trồng cây ngập ngọt, cây chắn gió ven cửa sông, ven biển và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, chính quyền địa phương bảo vệ khu vực rừng trồng.
Ngoài ra, để công tác bảo vệ đạt hiệu quả, các địa phương cũng đã và đang tiếp tục tận dụng các khu vực rừng ngập mặn để phát triển du lịch sinh thái. Đây cũng là hoạt động trong mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn của tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên vùng đầm phá.
Hoài Nguyên