Cổ phiếu ngành gạo vô cảm với sức tăng xuất khẩu

Tuy nhiên, 2018 có vẻ như là một năm bứt phá của ngành gạo khi những ngày đầu năm xuất khẩu gạo lội ngược dòng tăng mạnh.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, toàn ngành đã xuất đi 524 nghìn tấn gạo, đem về 249 triệu USD, tăng 56,5% về lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 39,2% thị phần.

Bộ Nông nghiệp dự báo, năm 2018 xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt sản lượng 6,3-6,5 triệu tấn, tăng thêm từ 400 - 600 ngàn tấn so với sản lượng của năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhưng dường như không có tác động tích cực nào đến diễn biến cổ phiếu ngành gạo. Trên thị trường, nhiều cổ phiếu đỏ sàn, đi ngược với xu hướng của hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành này.

Đơn cử như cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời (niêm yết trên UpCOM), tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang có 12 phiên nhuộm sắc đỏ trên tổng số 22 phiên giao dịch trong tháng 1/2018 (tính từ 3/1-30/1-2018). So với đầu tháng 1/2018, cổ phiếu của LTG đã trượt giá 3.300 đồng, giảm 7,3%. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mốc 41.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 24/7/2017, Lộc Trời đưa gần 67,2 triệu cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu đạt 55.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 3.696 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cổ phiếu LTG liên tục giảm khiến LTG đã "bay" 963 tỷ đồng.

Cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (niêm yết trên sàn HOSE) cũng kém sắc. Đầu năm 2018, cổ phiếu này tiếp tục có những phiên giao dịch ảm đạm, có đến 8 phiên đỏ sàn và 6 phiên không có thanh khoản. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mốc 8.000 đồng/cổ phiếu.

Thê thảm nhất trong nhóm cổ phiếu ngành gạo phải kể đến cổ phiếu FDG của Công ty Cổ phần Docimexco (niêm yết trên sàn UpCOM).

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 19/8/2016, cổ phiếu FDG chỉ đạt 1.600 đồng/cổ phiếu, thuộc vào nhóm cổ phiếu rẻ hơn rau. Sau hơn một năm lên sàn, cổ phiếu này liên tục không có thanh khoản và nằm trong diện bị hạn chế giao dịch. Hiện cổ phiếu này chỉ còn giá 1.200 đồng/cổ phiếu, cả tháng 1/2018 chỉ có 2 phiên giao dịch cổ phiếu này có thanh khoản trong đó một phiên giảm và một phiên tăng.

Nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, Vinafood 2 được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ vừa có phương án chính thức về IPO Vinafood 2. Vinafood 2 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng với 500 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá chào bán lần đầu ra công chúng của Vinafood 2 đang được định ở mức khá khiêm tốn với giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phiếu.

Việc nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngành gạo trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành này đầu năm nay khởi sắc mạnh không phải không có lý.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư với doanh nghiệp ngành gạo còn nằm ở khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, kéo lùi kết quả sản xuất, kinh doanh chung.

Đầu năm 2018, Việt Nam trúng thầu trên 140.000 tấn gạo sang Indonesia chủ yếu là Vinafood 2 trúng thầu. Tuy nhiên, trúng thầu chưa hẳn là tốt vì phải đấu thầu cạnh tranh. Indonesia thường đưa ra giá thấp, Việt Nam lại phải cạnh tranh giá thấp để trúng so với Thái Lan, Paskitan, Banglades. Giá bỏ thấp thấp trong khi hiện tại giá lúa đồng bằng Sông Cửu Long đang ở mức cao.

Bên cạnh đó, Vinafood 2 được xem là khá phức tạp về các khoản thua lỗ, nếu không minh bạch sẽ khó thu hút được nhà đầu tư.

"Về lâu dài, nội tại thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng, cổ phiếu ngành gạo mới mong thu hút được nhà đầu tư", vị chuyên gia này nhận định.

Theo VnEconomy