Thiếu tướng Lê Huy Mai (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa

Thiếu tướng Lê Huy Mai chia sẻ những câu chuyện, ký ức về năm tháng hào hùng ấy: Đối với mặt trận chính ở Huế, ngày 30/1/1968,  ta đã đưa Trung đoàn 6, Tiểu đoàn 12 đặc công, Đoàn 5 biệt động Huế và hầu hết lực lượng vũ trang tại chỗ của Thừa Thiên đánh chiếm những mục tiêu quan trọng trong trung tâm TP. Huế. Sang ngày 31/1/1968, ta tiếp tục đưa Trung đoàn 8, Trung đoàn 9 cùng  với các lực lượng của Quân khu Trị Thiên tấn công tổng lực vào Huế.

Sau gần 3 ngày tấn công, ta đã làm chủ hầu hết các mục tiêu trong TP. Huế và chính quyền cách mạng đã được thành lập ở nhiều khu phố, làng xã. Nhân dân TP. Huế rất phấn khởi, đã tập trung sức người, sức của giúp đỡ quân Giải phóng đánh giặc.

Từ ngày 2/2/1968, địch đã tăng cường lực lượng để giữ bằng được khu vực Mang Cá và các mục tiêu còn lại. Ngày 3/2/1968, quân đội Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn bắt đầu tập trung 16 tiểu đoàn (lính thủy đánh bộ Mỹ và quân đội Sài Gòn), khoảng 15.000 quân tổ chức phản công quyết liệt để cố chiếm lại TP. Huế.

Theo anh em Trung đoàn 8 (E3/F324) kể lại, từ sau ngày 3/2/1968, mặt trận Huế ngày càng ác liệt. Địch sử dụng bom, pháo ngày đêm đánh phá vào thành phố để tiêu hao lực lượng của ta và chi viện cho xe tăng dẫn dắt bộ binh đánh chiếm các mục tiêu xung quanh và trong trung tâm TP. Huế. Ta và địch giành nhau từng con đường, căn nhà, góc phố… Do ta thiếu đạn, lại không được hỏa lực cấp trên chi viện nên địch lần lượt chiếm lại các mục tiêu xung quanh và ở trung tâm thành phố.

Ngày 23/2/1968, các đơn vị được lệnh rút ra khỏi TP. Huế. Để đảm bảo cho các đơn vị rút lui an toàn và đưa được thương binh lên miền Tây, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã giao cho Trung đoàn 3 (E90) thuộc Sư đoàn 324 xuống Huế tiếp tục giữ khu vực còn lại, cùng Trung đoàn 1 bám trụ ở vùng đồng bằng phía bắc Huế, giúp các đơn vị rút lui và đưa được nhiều thương binh đến vùng an toàn.

Những ngày trụ lại vùng đồng bằng phía bắc Huế sau Tết Mậu Thân, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 của ta liên tục quần nhau với Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ và quân đội Sài Gòn rất ác liệt, đã kìm chân, tiêu hao địch, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương hiệu quả, giữ được lòng tin của Nhân dân. Do điều kiện tiếp tế của ta gặp khó khăn, thời gian chiến đấu kéo dài nên các đơn vị đều thương vong nhiều, thiếu đạn, thiếu thuốc men ngày càng nghiêm trọng. Tiểu đoàn 7- Trung đoàn 3 mất sức chiến đấu ngay ở vùng giáp ranh phía tây Huế. Tiểu đoàn 8 bị thiệt hại rất nặng ở làng Phước Yên – Thanh Lương vào cuối tháng 4/1968. Trung đoàn 1 bám trụ rất kiên cường ở vùng đồng bằng bắc Huế để tiếp tục hỗ trợ phong trào địa phương, bảo vệ thương binh của các đơn vị còn kẹt lại, nhưng sức chiến đấu ngày càng giảm sút. Vì vậy, đơn vị đã được lệnh rút lên vùng rừng núi phía tây củng cố vào cuối tháng 5/1968.

Sau khi bộ đội chủ lực của ta rút lên rừng, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một phân đội Trinh sát quay xuống đồng bằng Thừa Thiên để cùng lực lượng địa phương nắm địch, đánh địch và đặc biệt tìm cách đưa thương binh còn lại của ta lên điều trị. Đến 8/11/1968, chúng tôi đã cùng với lực lượng địa phương đưa được gần 100 thương binh lên núi an toàn.

Phải khẳng định công lao của Nhân dân Quảng Trị - Thừa Thiên cực kỳ lớn, không có gì so sánh được. Nếu không có người dân tiếp tế lương thực, chúng tôi đã không thể trụ được ở Thừa Thiên 160 ngày đêm. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó tại Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền đã tổ chức một ban kinh tế riêng để thu gom gạo, thực phẩm, thuốc men để cung cấp cho bộ đội. Nếu không có sự giúp đỡ này, tin rằng Trung đoàn 1 chỉ trụ lại được đến một tháng là cùng. Chúng tôi đã từng chứng kiến địch trở lại càn quét, khủng bố, bắt bớ, dồn hết dân vào ấp chiến lược; ủi phá, san phẳng hầu hết các làng mạc để thực hiện chiến thuật “Tát nước, bắt cá”. Thế nhưng, người dân vẫn tìm cách nuôi thương binh, bộ đội, du kích. Tinh thần của Nhân dân Thừa Thiên vô cùng anh dũng!

Thiếu tướng Lê Huy Mai (kể)

 Minh Nguyên (ghi)