Mô hình trồng gừng trong bao ni lông tại hộ Hoàng Công Đầng ở bản Hạ Long cho thu nhập 15-20 triệu đồng/năm
Hầu hết các hộ dân ở bản Hạ Long là đồng bào Pa Hy và Vân Kiều, nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán sản xuất còn lạc hậu nên đời sống khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng.
Một thời, các khu rừng quanh khu vực bản Hạ Long bị người dân tàn phá, nhiều loài động vật hoang dã bị săn bắt bán cho các chủ nậu, các nhà hàng. Đây là trở ngại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Trước đây, do đời sống khó khăn, không biết làm gì nên gia đình tôi thường vào rừng săn bắt thú, chặt cây lấy gỗ. Từ khi Ban Quản lý KBTTNPĐ hỗ trợ giống để trồng cây ăn quả, trồng rừng, nuôi lợn, gà, đào ao nuôi cá, giúp đỡ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất, chúng tôi gia đình mừng lắm”, ông Lê Văn Kíp chia sẻ.
Hai hộ gia đình, ông Hoàng Công Đầng và Trần Ngọc Thêm cũng có cùng tâm trạng vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ phát triển sinh kế. “Từ khi được hỗ trợ cây, con giống để sản xuất, sau bao năm chịu khó làm ăn, đời sống gia đình tui đã ổn định, xây dựng được nhà kiên cố, không còn cảnh nhà tạm, mưa dột, gió lùa như trước. Hằng ngày bỏ công, thời gian chăm sóc cây cối, lợn, gà nên không vào rừng”, ông Thêm phấn khởi.
Theo ông Hoàng Chiến, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, từ 3 hộ ban đầu, đến nay có hàng chục hộ được KBTTNPĐ hỗ trợ phát triển sinh kế. Các mô hình sản xuất chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi cá, mô hình trồng gừng trong bao ni lông phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu ở vùng đồi núi Hạ Long.
Ông Trần Xuân Hai đánh giá, sau thời gian tổ chức thực hiện, các hoạt động hỗ trợ tại bản Hạ Long đã có chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên do trình độ và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện các mô hình vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao so với tiềm năng. |
Kết quả khảo sát, điều tra cho thấy, hầu hết các mô hình đều cho thu nhập bình quân từ vài chục triệu đến trên 50 triệu đồng/năm. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các hộ được hỗ trợ mô hình kinh tế đến nay đều thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Cách đây hơn 5 năm, KBTTNPĐ triển khai dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế cho người dân bản Hạ Long với mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm áp lực dựa vào rừng. Ban đầu chỉ mới hỗ trợ thí điểm 3 mô hình vườn rừng, vườn đồi cho 3 hộ gia đình. Các mô hình chủ yếu trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng keo lai.
Thời gian qua, KBTTNPĐ đã hỗ trợ xây dựng hai vườn ươm keo giống cộng đồng tại hai hộ gia đình ông Trần Ngọc Kỳ và ông Trần Ngọc Châu. Mỗi vườn ươm rộng 500m2 với tổng lượng cây giống sản xuất trong một chu kỳ khoảng 20 ngàn cây/vườn. Ngoài phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân địa phương, vườn ươm còn xuất bán cho nhiều hộ lân cận.
Cán bộ kiểm lâm tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng, năng lực và nhu cầu của cộng đồng nhằm chọn loài cây nông sản thích hợp để trồng xen dưới tán rừng keo. KBTTNPĐ hỗ trợ người dân 5.000 cây dứa đưa vào trồng dưới tán rừng trên diện tích gần 8 ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá, bình quân mỗi hộ thu nhập 8-10 triệu đồng/năm.
Từ khi được hỗ trợ phát triển sản xuất, hầu hết các hộ dân không còn dựa vào rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Bài, ảnh: Hoàng Triều