Than ôi! Mọi dự định trong một phút chốc đều tan biến khi vợ tôi chỉ cho tôi nhìn thấy trên lô cốt ở đỉnh đồi, một nhóm thanh niên chừng bảy tám người kẻ ở trần, người mặc quần cụt, có kẻ trên mình có hình xăm rồng rắn đang cùng nhau uống rượu, hét hò và tất cả họ (có thể theo phản xạ tự nhiên) quay sang nhìn vợ chồng tôi một cách dò xét. Bỗng dưng thấy ớn lạnh trong người, không dám nhìn họ lâu hơn, tôi nắm tay vợ kéo đi thật nhanh và như hiểu ý, vợ tôi đi theo không một lời khự nự. Chúng tôi nhanh chóng lên xe rời khỏi Vọng Cảnh với bao trăn trở. Có thể những người đó hoàn toàn vô hại, nhưng đối với tôi khi trời sắp hoàng hôn, chỉ có chúng tôi với nhóm người trên, ai biết được sẽ có điều gì xảy ra. Có lẽ tôi là người lạc hậu chăng khi ngoài chúng tôi thì vào cái thời điểm đó chẳng có ai là du khách thưởng ngoạn hoàng hôn trên địa danh nổi tiếng nên thơ này. Tại sao vậy? Với địa danh là Vọng Cảnh, mà cái thời điểm “vọng cảnh” đẹp nhất là lúc chiều tà, thế mà chẳng có ai lên đó để vọng cảnh một cách “ngây ngô” như vợ chồng tôi vậy; gần đây, tôi mới đọc được bảng nội quy chỉ cho phép khách tham quan từ 07 giờ đến 18 giờ trong ngày, mùa hè ở đồi Vọng Cảnh 19 giờ trời vẫn còn sáng), như vậy là du khách khó nhìn được cảnh hoàng hôn, và chẳng bao giờ được ngắm trăng lên ở đồi Vọng Cảnh (?!!).
 
Liên tưởng đến dự án Khu khách sạn - nhà hàng - giải trí, đồi Vọng Cảnh là tài sản quí giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Nó là tài sản chung không chỉ là của dân xứ Huế mà là của tất cả mọi người, bất cứ ai khi đến Huế cũng có quyền được thưởng ngoạn ở đây, cho nên, một ai đó muốn độc chiếm để làm của riêng, nhằm khai thác sinh lời cho tổ chức, cá nhân mình là điều không thể. Tuy nhiên, Vọng Cảnh cũng không thể là nơi hoang vắng và khiến du khách cảm thấy bất an khi đến nơi đây. Thiết nghĩ, không thể xây dựng ở đây khu khách sạn - nhà hàng - giải trí với quy mô đồ sộ đã đành, nhưng phải làm gì đó với quả đồi này để khai thác tiềm năng, sao cho du khách mỗi lần đến Huế thì không thể không đến địa danh nổi tiếng này để mà vọng cảnh, ngắm trăng, đồng thời cảm thấy an tâm khi có mặt ở đây trong bất cứ thời điểm nào mà họ muốn.
 
Hỡi những người yêu Huế, đã hơn một lần tốn nhiều giấy mực, công sức, thời gian để bảo vệ quả đồi, thì nay hãy nên quan tâm nghiên cứu, trăn trở nghĩ suy, hiến kế bày mưu, chung tay góp sức để làm gì đó cho Vọng Cảnh này đúng với danh xưng mà người xưa đặt cho nó.
Hồ Tư